“Tất nhiên, chúng tôi sẽ kiện vì chúng tôi đã triển khai mọi bước đi cần thiết để đảm bảo các nhà đầu tư nhận được các khoản thanh toán. Chúng tôi sẽ trình lên tòa án hóa đơn xác nhận nỗ lực chi trả bằng đơn vị tiền tệ nước ngoài lẫn đồng rúp. Đây không phải là một quy trình dễ dàng. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực để chứng minh, bất chấp mọi khó khăn” – Bộ trưởng Siluanov nhấn mạnh nhưng không thông tin chi tiết về lựa chọn pháp lý của Moscow.
Tuyên bố trên thể hiện lập trường cứng rắn của Moscow trong cuộc chiến tài chính với phương Tây.
“Nga đã cố gắng thanh toán cho các chủ nợ nước ngoài một cách thiện chí. Tuy nhiên, các nước phương Tây đang cố tình triển khai những chính sách để tạo ra một sự kiện vỡ nợ nhân tạo bằng mọi giá” – Bộ trưởng Siluanov nói thêm, theo Reuters.
Theo ông Siluanov, các khoản nợ nước ngoài của Nga hiện chiếm khoảng 20% tổng nợ công, vốn đang ở ngưỡng 21.000 tỉ rúp (261,7 tỉ USD). Trong số này, khoảng 4.500-4.700 tỉ rúp là nợ nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: Reuters
“Một cuộc chiến tài chính và kinh tế được phát động chống lại đất nước của chúng tôi. Chúng tôi buộc phải hành động trong khi nỗ lực hoàn thành mọi nghĩa vụ của mình. Nếu chúng tôi không được phép trả nợ bằng đơn vị tiền tệ nước ngoài, chúng tôi sẽ làm điều này bằng đồng rúp” – Bộ trưởng Siluanov tuyên bố.
Nga lần đầu tiên đối mặt sức ép vỡ nợ trong hơn 100 năm, sau khi thực hiện các thỏa thuận để hoàn trả trái phiếu quốc tế bằng đồng rúp, thay vì USD, hồi đầu tuần này.
Nga vỡ nợ vốn là kịch bản không tưởng cho đến khi Moscow bị Mỹ và đồng minh đồng loạt áp lệnh trừng phạt để phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Điện Kremlin ở Ukraine.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (Mỹ) mới đây hạ cấp khả năng thanh toán nợ nước ngoài của Nga, phát tín hiệu cho thấy Moscow đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ gia tăng.
Theo hãng tin AP, động thái trên được Standard & Poor’s thực hiện với lập luận rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine “nhiều khả năng được áp bổ sung trong những tuần tới, cản trở khả năng và ý chí của Nga trong việc tuân thủ điều khoản và nghĩa vụ đối với chủ nợ nước ngoài”.
Giá dầu giảm
Giá dầu tiếp tục đà giảm trong đầu phiên giao dịch ngày 11-4 ở châu Á, sau khi các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố kế hoạch giải phóng 60 triệu thùng trong kho dự trữ chiến lược trong 6 tháng tới giữa lúc Trung Quốc tiếp tục phong tỏa TP Thượng Hải.
Mở đầu phiên giao dịch 11-4 ở châu Á, giá dầu Brent và WTI có thời điểm giảm xuống còn lần lượt 102,40 USD/thùng và 98,18 USD/thùng.
Tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,5% trong khi giá dầu WTI giảm 1%. Ảnh: Reuters
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)