Còn nhiều nghĩa khác của từ giá, thí dụ trước lúc cưới vợ cho con, người vợ bảo chồng: “Bằng giá nào cũng phải xây nhà trước mùa thu năm nay”. Giá ở đây là giá tiền phải bỏ ra khi xây nhà. Còn như người vợ bảo: “Việc xây nhà, giá thực hiện năm ngoái thì tốt quá”. Giá ở đây lại là nếu. “Giá vua bắt lính đàn bà/ Để em đi đỡ anh và bốn năm” (ca dao). Câu thơ của cụ Phan Bội Châu: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả/ Anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Ta hiểu ví phỏng cũng là nếu/ nếu như, giá/ giá như. Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ và Việt Nam tự điển (1931) đều khẳng định “giá” trong nghĩa trên, chính từ “giả” mà ra như giá mà/ giả mà; giá dụ (ví dụ)/ giả dụ; giá sử/ giả sử…
Trong thuật ngữ thuộc hệ thống luật pháp ngày xưa có từ “giá tréo”, “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích: “Gác tréo đôi ba cây để mà chịu lấy vật gì; thường hiểu về người chết oan chưa chôn được, phép quan dạy phải làm giá tréo mà để cái hòm, nghĩa là treo cái hòm không cho chôn”.
Một phụ huynh sắm quần áo cho con ngày tựu trường, nói với người bán hàng: “Quần thì tôi thuận mua, nhưng giá áo hơi mắc”. Rõ ràng, người ấy nói về giá tiền cái áo. Nhưng khi Từ Hải trong “Truyện Kiều” thổ lộ: “Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì”. Với thành ngữ “Giá áo túi cơm”, ai cũng hiểu nhằm chỉ hạng người tầm thường, vô dụng, không có chí khí lớn. “Giá” khi Từ Hải nói đến là đồ dùng để treo hay gác vật gì lên, nói cách khác “giá áo” là chỉ cái giá để máng/mắc áo.
Ai cũng biết “giá” còn có nghĩa gả con gái đi lấy chồng, có câu “xuất giá tòng phu”; còn “ở giá” lại mang nghĩa ám chỉ cô gái quá tuổi nhưng không chịu lập gia đình. “Thân này ví biết đường này nhỉ?/ Thà trước thôi đành ở vậy xong” (Hồ Xuân Hương), “ở vậy (cho) xong” chính là ở giá. Xin đừng lẫn lộn với “ở góa” (còn gọi ở hóa/ ở vá) tức sau khi đã yên bề gia thất, chẳng may vợ/ chồng thất lộc, sớm rong chơi suối vàng nhưng người đàn ông vẫn “gà trống nuôi con”, người đàn bà vẫn không “đi bước nữa”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)