Hai cơn mưa liên tiếp ngày 22 và 23-3 tuy không quá lớn nhưng cũng đã kịp nhấn chìm cây cầu dân sinh bắc qua suối Bà Lúa (khu phố 1, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) trong biển nước, khiến người dân trong khu vực lo lắng.
Mưa vừa xuống, cầu và đường đã chìm
Đưa tay chỉ về hướng cây cầu đang xuống cấp trầm trọng, bà Thanh Hà (sống gần cầu Bà Lúa) cho hay hằng ngày, rất đông học sinh đi qua cây cầu để tới trường. “Mỗi lần mưa xuống, nước đổ về ào ạt, thấy các em học sinh và người dân đi qua cầu, tôi liên tục thót tim và cầu khẩn cho mọi sự lành” – bà Thanh Hà bày tỏ và mong các cơ quan chức năng sớm làm cầu mới, sớm triển khai dự án chống ngập để bảo đảm an toàn cho học sinh và người dân đi lại mỗi khi bước vào mùa mưa.
Khu vực cầu Bà Lúa (phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) luôn chìm trong biển nước mỗi khi mưa xuống Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Để minh chứng cho sự khẩn thiết chống ngập cho khu vực cầu Bà Lúa, bà Thanh Hà kể câu chuyện đau lòng xảy ra 3 năm trước. Đó là mùa mưa năm 2019, 2 học sinh cùng một người đàn ông đi trên 2 xe máy qua đoạn đường ven suối thì không may bị nước cuốn trôi cả người lẫn xe xuống suối. Người đàn ông bị trôi chừng 100 m thì bám vào cành cây bên đường được người dân cứu sống, còn 2 nam sinh tử vong.
Không chỉ ở khu vực cầu Bà Lúa, 2 cơn mưa nêu trên còn nhấn chìm hàng loạt tuyến đường ở TP Biên Hòa, khiến nhiều phương tiện chết máy, giao thông ùn tắc. Ghi nhận trong cơn mưa chiều 22-3 cho thấy đoạn đường Nguyễn Ái Quốc đi qua giáo xứ Bắc Hải (phường Hố Nai), Quốc lộ 1 gần Công viên 30-4, khu vực cổng 11 (phường Phước Tân và Long Bình), đường Đồng Khởi (phường Trảng Dài và Tân Phong)…, các phương tiện bì bõm trên đường. Riêng tại khu vực cổng 11, tình trạng xe cộ hỗn loạn từ các hướng, dồn ứ và chôn chân tại chỗ, dù nơi đây đang thi công dự án chống ngập. “Không biết các cơ quan liên quan đang chống ngập kiểu gì nhưng với những gì đang diễn ra thì mùa mưa năm nay người dân TP Biên Hòa lại tiếp tục căng mình hứng ngập nữa rồi” – ông Nguyễn Văn Hải (cư dân phường Phước Tân) than thở. Ngoài ra, theo phản ánh của ông Hải, qua mấy cơn mưa trái mùa vừa qua, ông thấy thực trạng là cứ xóa được điểm ngập này lại xuất hiện điểm ngập khác.
Tình cảnh cứ hễ mưa là ngập cũng đang diễn ra ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nhắc lại những cơn mưa trái mùa vừa qua, anh Trần Hữu Thành, công nhân làm việc trong KCN VSIP, nói vẫn còn ám ảnh trước cảnh mênh mông nước trên Quốc lộ 13 (đoạn gần ngã tư cầu Ông Bố và trước Trung tâm Thương mại Lotte), đường Nguyễn Văn Tiết, điểm đầu đường Hồ Văn Mên… thuộc phường Bình Hòa, TP Thuận An. “Tại những khu vực này, mùa mưa năm ngoái, hễ mưa lớn là nước ngập sâu cả mét, kéo dài nhiều giờ khiến giao thông hỗn loạn, nhiều xe máy bị nước cuốn khiến cả người và xe té ngã rất nguy hiểm. Kiểu này, năm nay cũng khó thoát!” – anh Thành ngao ngán và mong địa phương sớm có giải pháp khắc phục.
Khắc phục cách nào?
Ông Phạm Huỳnh Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cho hay thời gian qua địa phương đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập và đã từng bước phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên việc triển khai một số dự án thoát nước còn khá chậm; một số kênh rạch thoát nước chính chưa được đầu tư mở rộng để bảo đảm thoát nước cho quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp.
Quốc lộ 13 (đoạn qua TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cứ mưa lớn là ngập nặng, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn .Ảnh: THẢO NGUYỄN
Bên cạnh đó, theo ông Phạm Huỳnh Tuấn Anh, các dự án đầu tư trong lĩnh vực giao thông theo hình thức BOT đa phần không bố trí đầu tư hệ thống thoát nước dọc trục giao thông hoặc chưa chú trọng đầu tư hệ thống thoát nước cho lưu vực hoặc chỉ thoát nước cho mặt đường gây khó khăn trong công tác đấu nối thoát nước, làm quá tải lưu lượng cống thoát nước. “Giai đoạn 2021-2025, sở đã kiến nghị UBND tỉnh bố trí đủ vốn để tổ chức đầu tư xây dựng hoàn thành 33 dự án thoát nước đang triển khai đầu tư từ vốn ngân sách tỉnh (bao gồm cả vốn ODA), trong đó giai đoạn 1 là 19 dự án và giai đoạn 2 là 14 dự án” – ông Tuấn Anh thông tin.
Riêng đối với TP Thuận An, mới đây, tỉnh Bình Dương đã triển khai thi công công trình xây dựng cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm, dự án có vốn đầu tư 284 tỉ đồng cùng với hệ thống cống, đê bao An Sơn – Lái Thiêu dài khoảng 12,7 km (ven sông Sài Gòn) có nhiệm vụ ngăn lũ, triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng để chống ngập cho toàn bộ vùng 2.690 ha, trong đó lưu vực phụ trách của cống Bình Nhâm là 540,98 ha đất tự nhiên. Ngoài ra, để chống ngập, TP Thuận An còn kiến nghị UBND tỉnh thực hiện 4 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn, với tổng kinh phí 1.364 tỉ đồng, trong đó có cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa – Vàm Búng, cống kiểm soát triều rạch Lái Thiêu – Vĩnh Bình…
Trở lại với cầu Bà Lúa, ông Đoàn Văn Đoàn, Chủ tịch UBND phường Long Bình Tân, nói mỗi lần mưa là ông rất lo lắng và yêu cầu cán bộ phường rào chắn cầu, không cho người dân, học sinh đi qua. “Chính quyền nhận được phản ánh, kiến nghị của người dân rất nhiều và đều báo cáo TP Biên Hòa với mong muốn xử lý dứt điểm” – ông Đoàn Văn Đoàn kiến nghị.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa, cho biết đến nay Biên Hòa đã xử lý được nhiều điểm ngập, trong đó có những khu vực từng là “điểm đen”
ngập lụt như khu vực cầu Săn Máu (phường Trảng Dài – phường Hố Nai), khu vực ngã năm Biên Hùng (phường Trung Dũng – phường Quyết Thắng), giao lộ Phạm Văn Thuận – Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất – phường Tân Mai)… Riêng đối với dự án chống ngập suối Cầu Quang, suối Bà Lúa, suối Chùa đi qua các phường: Long Bình Tân, An Hòa, Phước Tân đã khởi công nhưng bị chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng kéo dài. “Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, thành phố chỉ làm nhiệm vụ bồi thường. Hiện nay công tác áp giá bồi thường cơ bản đã xong, đang vận động tổ chức các hộ dân nhận tiền và đang xét tái định cư” – Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa thông tin.
Đối với điểm ngập tại khu vực cổng 11, Phó Chủ tịch UBND TP Biên Hòa khẳng định việc khắc phục, xử lý dự kiến hoàn thành trong quý II/2022. “Riêng điểm ngập cục bộ ở đường Nguyễn Ái Quốc (phường Hố Nai) và các điểm ngập cục bộ khác như Quốc lộ 1 gần Công viên 30-4, tôi khẳng định đây là các điểm đã xử lý rồi nhưng vẫn còn ngập vì rác trôi xuống, bịt các miệng cống” – ông Huỳnh Tấn Lộc nói. Ông nhấn mạnh để giải quyết vấn đề này, TP Biên Hòa sẽ tiến hành xử lý nghiêm hành vi người dân vứt rác bừa bãi ra đường, kế đến là khơi thông các miệng cống trước mùa mưa.
Lý giải về việc xóa được điểm ngập này thì lại xuất hiện điểm ngập khác, ông Huỳnh Tấn Lộc cho rằng nguyên nhân do tốc độ đô thị hóa nhanh. Ông thừa nhận hiện nay, TP Biên Hòa xuất hiện các điểm ngập như đường Bùi Văn Hòa và Quốc lộ 51 (khu vực cổng 11, phường Long Bình), khu vực cầu Đồng Khởi (phường Tân Phong – phường Trảng Dài)…
Ngập cũng đang gia tăng ở Bà Rịa – Vũng Tàu
Những năm gần đây, tình trạng ngập úng trong mùa mưa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu diễn ra với tần suất gia tăng theo từng năm. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 32 điểm ngập úng khi mưa to. Đặc biệt, 2 địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao là TP Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ – các địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng.
Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng tình trạng ngập úng cục bộ là do các nguyên nhân như chưa có cống thoát nước, cống thoát nước quá tải hoặc chưa có cửa xả; một số tuyến cống đúc thủ công được đầu tư đã lâu bị xuống cấp; tình trạng ô nhiễm môi trường tại các kênh thoát nước do các cơ sở chế biến hải sản, lò mổ gia súc, gia cầm, nhà hàng xả thải trực tiếp ra môi trường khi chưa qua xử lý; tình trạng hư hỏng, xuống cấp, thu hẹp, giảm tiết diện dòng chảy của các đoạn kênh thoát nước chính… Ngoài ra, còn nguyên nhân xuất phát từ việc dân lấn chiếm hành lang kênh, rạch để xây dựng nhà, công trình khác.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)