Những ngày đầu năm mới, nỗi nhớ nhà, nhớ hương vị Tết cổ truyền lại trào dâng trong mỗi người con xa xứ. Năm nay, du học sinh Việt ở nhiều nước trên thế giới lại đón giao thừa với gia đình qua màn hình điện thoại.
Nhớ mùi vị Tết
Sang Hàn Quốc du học được hơn 4 năm, Thu Hà, sinh viên năm 3, khoa Thương mại Trường ĐH Chosun đã đón Tết xa quê cũng từng ấy năm. Dù không còn tủi thân, buồn nhưng Hà vẫn thấy chạnh lòng khi nghĩ đến ba mẹ ở Việt Nam. Hà chia sẻ, hai năm đầu du học, hè được về thăm gia đình nên cũng bớt được chút nào nỗi nhớ nhà. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài, các chuyến bay rất ít, nếu về thì khả năng nhập học lại cũng rất khó. Hơn nữa, giá vé máy bay lên đến 50 triệu đồng, bằng với tiền học của một kỳ, điều này trở thành “rào cản” để Hà quyết định không về quê.
Vì vậy, tuy nhớ nhà, nhưng để đảm bảo cho việc học và sức khỏe của bản thân, gia đình, Hà chọn ở lại Hàn Quốc đón Tết.
Thu Hà cùng các du học sinh Việt tổ chức liên hoan, gặp mặt cùng đón Tết. Ảnh: nhân vật cung cấp
Hà kể, mọi năm, những du học sinh tại Hàn Quốc không về quê đón Tết thường quây quần lại để tổ chức tất niên, đón giao thừa, đi loanh quanh chúc Tết giống như ở Việt Nam. Nhưng hai năm này, các hoạt động tập thể bị hạn chế nên không thể tụ tập mà chỉ chúc Tết trực tuyến. Dưới sự quan tâm, giúp đỡ của các anh chị trong Ban chấp hành Hội du học sinh Việt tại Hàn mà cái Tết của các bạn du học sinh như Hà bớt nhàm chán hơn.
“Em mong dịch được kiểm soát, ổn định lại đường bay để không chỉ du học sinh mà những người con xa xứ có thể về ăn Tết đoàn viên bên gia đình” – Hà trải lòng.
Huỳnh Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Úc, đang học tại Trường ĐH Công nghệ Sydney lại một năm nữa không thể đón Tết bên người thân. Tấn Đạt cho hay sang Úc 7 năm, đây là lần thứ 3 đón Tết xa quê vì dịch Covid-19.
Huỳnh Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Úc lựa chọn đi du lịch trong những ngày Tết để vơi nỗi nhớ nhà. Ảnh: nhân vật cung cấp
Khi phải ăn Tết xa quê, Tấn Đạt cảm giác nhớ gia đình và không khí Tết tại Việt Nam. Với bối cảnh dịch bệnh, các lễ hội Tết tại những khu người Việt ở Sydney cũng bị hạn chế nhiều, thiếu vắng không khí Tết dành cho cộng đồng người Việt cũng như du học sinh Úc. May mắn, Đạt luôn có ba mẹ tích cực động viên để anh cố gắng học tập. Bên cạnh đó, mùa Tết này, Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc có tổ chức một buổi đón tết bao gồm các hoạt động trò chơi dân gian, nấu bánh chưng để các bạn sinh viên xa nhà cảm nhận được không khí Tết quê hương.
Hơn thế nữa, các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Úc cũng tổ chức các buổi Tết cộng đồng và có mời các sinh viên như Đạt tham gia. Và đương nhiên, tất cả quá trình tổ chức sẽ phải trên tinh thần an toàn là trên hết, áp dụng tất cả các hình thức đảm bảo không có F0 tham dự. “Chính nhờ vào Hội nhóm sinh viên cũng như các cơ quan ngoại giao, Tết xa nhà lại trở thành một cái Tết đầm thắm hơn và mang lại tinh thần đồng bào ấm áp hơn nơi xứ người” – Đạt bộc bạch.
Giới thiệu Tết đến bạn bè quốc tế
Nguyễn Đình Phước, vừa tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Kĩ thuật về Chuyên ngành Năng lượng tái tạo tại ĐH Quốc gia Úc đã đón Tết ở đây được hai năm. Ăn Tết nơi đất khách, Phước buồn và thấy trống trải, rất “thèm” không khí Tết ở Việt Nam. Anh hạn chế sử dụng mạng xã hội vào dịp Tết và tập trung vào công việc, học tập để giảm cảm giác nhớ nhà.
Nguyễn Đình Phước gặp gỡ đồng nghiệp quốc tế, giới thiệu về những hoạt động ngày Tết cổ truyền. Ảnh: nhân vật cung cấp
Năm nay, Phước có kế hoạch sẽ cùng những người bạn quốc tế ở cùng nhà đón Tết, đây cũng là dịp tốt để có thể giới thiệu cho mọi người biết chúng ta “ăn” Tết thế nào. Anh còn giới thiệu những đặc trưng ngày Tết cho những người đồng nghiệp mới trong công ty.
Nguyễn Tùng Lâm cùng Hội sinh viên Việt Nam tại Hannam (Hàn Quốc) tổ chức chương trình “Tết xa quê”, quây quần bên nhau, vơi đi nỗi nhớ nhà. Ảnh: nhân vật cung cấp
Còn đối với Nguyễn Tùng Lâm, đang theo học hệ Thạc sỹ, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế tại Trường ĐH Hannam (Hàn Quốc), cứ mỗi mùa Tết về, trong lòng lại cảm thấy nôn nao. Xứ người phồn vinh và hào nhoáng hơn quê Lâm, nhưng không gì thay thế được niềm hạnh phúc khi được đoàn tụ cùng gia đình trong những ngày Xuân. 2743 km, 5 giờ bay là khoảng cách từ Hàn Quốc đến Việt Nam, nhưng con đường về quê ăn Tết ngày một xa hơn giữa đại dịch. Cứ thế, những khoảnh khắc ấm áp quây quần bên cạnh gia đình giờ đây chỉ có thể thay bằng những lời chúc qua màn hình điện thoại.
Tại đây các hoạt động như gói bánh chưng, phát quà Tết, lì xì đầu năm được du học sinh Việt tham gia nhiệt tình. Ảnh: nhân vật cung cấp
Tuy nhiên, Tết cổ truyền ở cách xa quê hương hàng nghìn cây số vẫn không mất đi ý nghĩa vốn có, vì ở Trường ĐH Hannam, có những đôi bàn tay sẽ cùng góp sức “gói” nên một mùa Tết yêu thương, đong đầy. Tập thể sinh viên Việt Nam tại Hannam bắt đầu bằng phong tục gói bánh chưng qua chương trình “Tết ông Công – ông Táo” vào ngày 23 tháng Chạp. Ngoài ra, thường vào ngày 30 Tết, chương trình “Tết Xa Quê” lại là cơ hội để du học sinh Việt xích lại gần nhau.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)