Nhu cầu đi du lịch của khách trong dịp hè rất đông với cả khách lẻ và khách đoàn đem lại kỳ vọng cho ngành du lịch sau hơn 2 năm “ngủ đông”. Tuy nhiên, giá xăng dầu vượt 32.000 đồng/lít đang đẩy chi phí đầu vào tất cả dịch vụ lên từ 10%-30% khiến doanh nghiệp (DN) như “ngồi trên lửa”.
Khách đông nhưng vẫn lỗ
Theo ghi nhận tại nhiều công ty du lịch, nhu cầu đặt tour trọn gói và dịch vụ như vé máy bay, khách sạn, nhà hàng… của du khách tăng mạnh khi ngành du lịch bước vào mùa cao điểm hè.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist dự kiến sẽ phục vụ hơn 280.000 lượt khách trong mùa hè 2022. Con số này có thể cao hơn do nhu cầu của thị trường về du lịch trong và ngoài nước vẫn đang tăng mạnh. Với những tour trọn gói đã chốt, giá tour không thay đổi và hiện DN bắt đầu triển khai dịch vụ cho du khách. Lữ hành Saigontourist đang mở bán tour khởi hành từ tháng 10 trở đi hoặc đáp ứng nhu cầu của khách đặt tour lẻ phát sinh.
Du khách thích thú trải nghiệm dịch vụ lặn biển tại Khánh Hòa. Ảnh: KỲ NAM
Hè là mùa cao điểm nhất trong năm với ngành du lịch, nhất là ở giai đoạn phục hồi và nhu cầu thị trường đang cao nên các DN nỗ lực đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, DN chưa kịp phục hồi thì nguy cơ gặp phải cú sốc từ giá xăng dầu tăng cao liên tục thời gian qua.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết khi giá xăng dầu vượt qua mốc 30.000 đồng/lít và hiện tại vượt 32.000 đồng/lít, giá nhiều loại dịch vụ khác trong chuỗi cung ứng của ngành du lịch cũng tăng theo từ 10%-30%. Với các tour đã ký kết với khách hàng (tour trọn gói), DN không phụ thu thêm được nên phải chịu lỗ.
“Một số tour tới Đà Nẵng chuẩn bị khởi hành, đơn vị vận chuyển ôtô vừa bất ngờ thông báo sẽ tăng giá vì giá xăng tăng khiến chúng tôi trở tay không kịp. Với những tour sắp tới trong dịp hè, giá tour sẽ phải tăng theo thị trường khiến du khách có thể sụt giảm hoặc dè dặt đặt tour. Diễn biến này ảnh hưởng tiêu cực khi ngành du lịch đang dần phục hồi sau 2 năm “ngủ đông” – ông Phạm Quý Huy nói.
Với những tour đang bán cho khách, một số DN đã thông báo điều chỉnh giá tour và khó tránh bị khách hàng phản ứng. Khách sẽ cân nhắc đặt tour hoặc chọn những chương trình có chi phí thấp hơn như tour 3 ngày đổi thành 2 ngày; ở khách sạn 5 sao xuống còn 4 sao…
Doanh nghiệp loay hoay ứng phó
Các tour đi biển trải dài từ Mũi Né, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phú Quốc, đến vịnh Hạ Long đang rất “nóng” do nhu cầu tăng cao. Với tình hình hiện tại, giá vé máy bay, ôtô đều tăng, chưa kể đến các điểm tham quan, nhà hàng khách sạn cũng “ăn theo” giá xăng để điều chỉnh lên…
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, nhận định giá xăng dầu tăng cao đang tác động đến tất cả ngành kinh tế trong đó có du lịch vì đây là ngành kinh tế tổng hợp. Đến thời điểm này, giá vé máy bay, giá ôtô vận chuyển đều đã tăng lên khá cao, khoảng 20%, không còn “tăng nhẹ” như trước. Nếu so vé máy bay hiện tại và vài tháng trước – thời điểm DN lữ hành đặt dịch vụ – thì chênh lệch cả triệu đồng/khách nên sẽ rất khó cho những tour mở bán mới.
“Thời điểm này vẫn đang là giai đoạn phục hồi của ngành, DN cũng rất muốn duy trì mức giá thấp hoặc chương trình khuyến mại để kích cầu nhưng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng mạnh hiện nay là rất khó” – ông Nguyễn Ngọc An bộc bạch.
Chi phí đầu vào tăng cao đẩy giá thành tour lên nhưng các DN cho hay không dễ tăng mạnh giá tour vì như vậy khách sẽ “quay lưng”. Các DN lữ hành lo ngại lượng khách có thể giảm và “hạ nhiệt” trong thời gian tới. Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt, cho rằng các tour du lịch bình dân sẽ chịu tác động mạnh hơn tour cao cấp do chi phí vận chuyển, thực đơn trong các bữa ăn tăng. Còn tour cao cấp chịu tác động ít hơn do chi phí giá tour chủ yếu là chi phí lưu trú. Nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh bằng khoảng 80% so với thời điểm trước dịch nhưng chủ yếu là phân khúc trung, cao cấp trong khi phân khúc bình dân tăng chậm hơn.
Trong bối cảnh này, bên cạnh việc tiết giảm tối đa chi phí quản trị, chi phí hoạt động, các DN kiến nghị nhà nước sớm có chính sách bình ổn, hạ nhiệt giá xăng dầu.
Chấp nhận mua vé giá cao
Không chỉ giá tour trọn gói của các DN lữ hành bị ảnh hưởng, giá xăng dầu tăng cũng đẩy giá vé máy bay nhích lên. Nhiều người đi du lịch tự túc cũng cân nhắc trước đà tăng của giá vé máy bay. Nhiều hành khách cho biết không có nhiều sự lựa chọn về giá vé rẻ dịp hè mà phải chấp nhận mua vé cao.
Chị Nguyễn Loan (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) cho hay vừa đặt vé máy bay cho 3 mẹ con chặng TP HCM – Hà Nội với giá vé gần 2 triệu đồng/lượt. Nếu tính khứ hồi thì giá vé lên tới gần 4 triệu đồng/khách. Mức giá này rất cao so với giai đoạn trước đó và không có nhiều sự lựa chọn về giờ bay của các hãng. Mức giá này là khách bay vào sáng sớm hoặc chiều tối, còn nếu bay khung giờ cao điểm giá sẽ cao hơn nữa.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)