Sở Du lịch TP HCM cho biết trong nửa đầu năm 2022, khách nội địa tới thành phố đạt hơn 11 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến thành phố ước đạt hơn 477.000 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ.
Tấp nập đón khách
Những ngày này, nhiều điểm tham quan, khu du lịch, điểm đến nổi tiếng ở TP HCM nhộn nhịp khách du lịch.
Tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, mỗi ngày có khoảng 8.000-10.000 lượt khách đến vui chơi, tham quan.
“Nhiều sản phẩm du lịch mới đã được đưa vào khai thác, đón khách. Du khách có thể tham quan miễn phí nông trại quy tụ đủ các loại trái cây “độc”, lạ, chụp ảnh tại vườn dừa, vườn nho kẹo đen Mỹ, nho hồng Nhật hay nông trại dừa xiêm với diện tích 1,5 ha” – đại diện Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên nói.
Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên mỗi ngày đón khoảng 8.000-10.000 lượt khách Ảnh: QUỲNH TRÂM
Đại diện Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho biết trong 6 tháng đầu năm đã đón hơn 1,23 triệu lượt khách. Doanh thu trong nửa đầu năm đạt 75 tỉ đồng. Chỉ riêng tháng 6-2022, Thảo Cầm Viên đón 203.000 lượt khách.
Nhiều điểm đến khác trên địa bàn TP HCM cũng đông nghịt khách. Khu Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón 170.000 lượt khách trong nửa đầu năm; Công viên Văn hóa Đầm Sen phục vụ trên 360.000 lượt khách, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, những ngày này, du khách trong và ngoài nước tấp nập đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Lượng du khách tăng cao giúp nhiều khách sạn 4-5 sao tại TP HCM đạt công suất phòng trên 80%.
Nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agoda vừa công bố báo cáo dựa trên dữ liệu đặt phòng của khách du lịch từ tháng 5 đến hết tháng 8-2022. Theo đó, du lịch nội địa vẫn là lựa chọn ưu tiên đối với người Việt. Đáng chú ý, TP HCM và Hà Nội lần lượt giữ vị trí đầu tiên và thứ 3, những vị trí còn lại chủ yếu tập trung vào các thành phố biển do nhu cầu tránh nóng mùa hè của nhiều du khách.
Trải nghiệm nông trại Suối Tiên Farm
Số liệu của Cục Thống kê TP HCM cho thấy trong 6 tháng đầu năm, hoạt động du lịch khởi sắc giúp doanh thu lữ hành trong nửa đầu năm đạt 3.534 tỉ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ. Hoạt động của các đơn vị lữ hành đang vào mùa cao điểm cùng lúc với nhu cầu của du khách tăng cao giúp ngành du lịch phục hồi nhanh.
Quảng bá, xúc tiến mạnh mẽ điểm đến
Nhiều công ty du lịch cho biết đang tiếp tục triển khai, xây dựng sản phẩm du lịch; hoạt động quảng bá, khuyến mãi cũng được đẩy mạnh nhằm kích thích nhu cầu du lịch.
Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist vừa triển khai chương trình “Ngàn lời tri ân” nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập với mức ưu đãi giảm đến 25 triệu đồng và nhiều quà tặng hấp dẫn.
Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Lữ hành Saigontourist, cho hay sự kiện năm nay mang ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của doanh nghiệp và sự nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam và thương hiệu điểm đến Việt Nam trên toàn cầu.
“Hơn 100 tour du lịch trong nước và 70 tour du lịch nước ngoài với hơn 300 ngày khởi hành liên tục từ tháng 8 đến tháng 12-2022, đáp ứng tốt nhất nhu cầu du lịch của thị trường hiện nay. Đặc biệt, các sản phẩm, dịch vụ du lịch được thiết kế đa dạng, phong phú nhất từ trước đến nay với chùm tour ngắn ngày (nửa ngày hoặc 1 ngày) trải nghiệm tại TP HCM, Hà Nội và vùng phụ cận với lịch khởi hành hằng ngày” – bà Thanh Trà thông tin.
Tại Công ty Du lịch Vietravel, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc, cho hay du lịch TP HCM đã khởi sắc, đánh dấu nỗ lực của doanh nghiệp và ngành sau giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19.
“Vietravel đang nỗ lực đón khách quốc tế trở lại. Ngành du lịch cần quảng bá, xúc tiến để có những đoàn lớn, thông báo để du khách biết TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã an toàn, sản phẩm du lịch đã được làm mới, đồng thời xúc tiến với các hiệp hội du lịch, tổng cục du lịch các nước để cùng quảng bá, thu hút khách quốc tế” – bà Phương Hoàng đề xuất.
Đối với du lịch TP HCM, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc marketing và truyền thông Công ty TST tourist, cho rằng cần mở các chuyên đề nâng cao nhận thức về du lịch cho lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn trong việc chủ động đánh giá tính khả thi, xây dựng sản phẩm du lịch địa phương. Từ đó, từng bước nâng tầm và phát triển hoạt động du lịch quận, huyện một cách toàn diện và chuyên nghiệp, góp phần tạo sự đột phá mạnh mẽ cho du lịch thành phố.
Nhiều sản phẩm du lịch mới
Trong những tháng cuối năm, Sở Du lịch TP HCM cho biết sẽ tập trung hoàn thiện, nâng chất các điểm đến và các chương trình du lịch hiện có; tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp du lịch, các đơn vị tư vấn, chuyên gia du lịch, nhà đầu tư, quận – huyện và TP Thủ Đức xây dựng sản phẩm đặc trưng theo hướng “mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng” gắn với Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030.
Sở Du lịch TP HCM tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển điểm đến ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) thành sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ. Hoàn chỉnh và triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy năm 2022; sản phẩm du lịch gắn với hoạt động “trên bến dưới thuyền” ở quận 1, 5, 6, 8… Ngoài ra, chương trình “TP HCM – 100 điều thú vị” giai đoạn 2022-2024 cũng sẽ được triển khai sau khi UBND thành phố chấp thuận chủ trương.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)