Trong công văn nêu ý kiến về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế đưa ra nhiều điều kiện được cho là siết chặt hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp (DN) than trời vì nếu áp dụng sẽ rất khó đón khách.
Quá khó!
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour – Vietluxtour, lo ngại những quy định cách ly nghiêm ngặt như đề xuất mới đây của Bộ Y tế sẽ khiến ngành du lịch và cả DN gặp khó khăn. Trong khi đó, nhiều quốc gia đã mở cửa đón khách quốc tế với yêu cầu đơn giản, thuận tiện, sẽ thu hút khách Việt đi tour nước ngoài đồng thời cạnh tranh điểm đến với Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Golden Smile (Golden Smile Travel), chương trình Test And Go của Thái Lan quy định ở khách sạn chỉ 3-6 giờ chờ kết quả xét nghiệm PCR với mong muốn từng bước khôi phục du lịch. “Thái Lan nới lỏng quy định nhưng từ ngày 1 đến 21-2, chỉ đón được 1.018 khách Việt Nam và con số tại các nước khác không hơn là bao. Liệu rằng cách ly hoàn toàn 24 giờ tại khách sạn và khuyến cáo không nên đi lại trong 72 giờ từ khi nhập cảnh có đủ hấp dẫn du khách quốc tế?” – ông Hoàng Phương nói. Theo ông, việc xét nghiệm PCR là đủ mà không cần thêm bất kỳ quy định nào.
Đoàn khách thứ 3 của Lào đến Phú Quốc bằng hộ chiếu vắc-xin Ảnh: HOÀNG TUẤN
Đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn chưa đồng nhất trong việc ứng xử với F0, F1 khi xuất hiện ca mắc Covid-19 mới, điều này gây khó cho DN. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng do quy định gắt gao nên khách quốc tế chưa mặn mà đến Việt Nam. DN đã chào tour khắp nơi nhưng nhu cầu khách tới không có ngay mà phải tới gần cuối năm nay. DN phải tập trung vào 3 tiêu chí làm sao cho du khách an toàn, điểm du lịch an toàn và cơ sở lưu trú an toàn trong bối cảnh F0 tăng cao.
Kiến nghị chuyển sang xét nghiệm nhanh tại sân bay
Để thu hút khách quốc tế trở lại từ ngày 15-3, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, cho rằng trong thời gian sớm nhất cần có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, chính thức và một cơ chế, chủ trương đặc thù cho du lịch TP HCM về việc mở cửa du lịch quốc tế.
Những kế hoạch, hướng dẫn cần theo hướng bảo đảm thật sự an toàn, thuận lợi trong điều kiện cách ly, kiểm tra y tế cho khách, DN và cộng đồng điểm đến, tạo được năng lực cạnh tranh, thu hút mạnh các đối tượng du khách. “Đặc biệt cần thiết là những kế hoạch trên phải được thực thi thống nhất liên ngành, liên vùng giữa TP HCM và các điểm đến khác, tránh phát sinh “rào cản, chốt chặn” dưới các hình thức khác nhau, gây ảnh hưởng khó khăn cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam du lịch liên tuyến giữa TP HCM và các điểm đến khác trong nước” – ông Võ Anh Tài nói.
Cái hẹn mở cửa từ ngày 15-3 sắp cận kề nhưng đề xuất của Bộ Y tế khiến các DN “ngồi trên lửa”. Mọi chuẩn bị về nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch, tour tuyến… để khởi động lại du lịch quốc tế có nguy cơ chững lại.
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho hay hiện tại khách hồi hương đã tự về nhà cách ly nên cần bỏ ngay những vướng mắc để không còn rào cản cho du khách quay lại Việt Nam. Khi đã có quy định xét nghiệm PCR, hộ chiếu vắc-xin thì cần mạnh dạn mở cửa, không cần phải cách ly hay theo dõi trong 72 giờ như đề xuất.
“Việc cần làm ngay để du khách quay lại là quy định bắt buộc họ phải đi tour trọn gói trong ít nhất 3 ngày, những điểm đến và lưu trú sẽ nằm trong danh sách phê duyệt được phục vụ. Sau đó, du khách có thể tiếp tục đi tour khác hoặc tự túc khám phá Việt Nam. Các đơn vị lữ hành tổ chức đón khách sẽ có trách nhiệm theo dõi sức khỏe khách của mình. Phải làm nhanh và nhanh hơn nữa mới đón đầu được thay vì chần chừ, đặt thêm nhiều quy định quá khó” – ông Phạm Quý Huy nói.
Một giải pháp khác được các DN đề xuất là vẫn xét nghiệm PCR và ở khách sạn nhưng ở lại bao lâu dựa vào thời gian trả kết quả xét nghiệm. Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương kiến nghị có thể tiến đến chuyển từ xét nghiệm PCR tốn kém sang xét nghiệm nhanh ngay tại sân bay. Đây chưa phải giải pháp tối ưu nhưng có thể dung hòa được nỗi lo của Bộ Y tế.
“Việc mở cửa đón khách vào ngày 15-3 nên toàn diện và có quyết sách phù hợp, còn không được thì không nên làm. Việc đó giúp tiết kiệm chi phí marketing, truyền thông và cũng là cách giữ uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu cứ nửa vời thì khi thật sự mở ra, nhiều du khách vẫn sẽ bán tín bán nghi vào chính sách của chúng ta” – ông Hoàng Phương nói.
Một đại diện Bộ Y tế cho biết những góp ý này đều dựa vào hướng dẫn số 10688 về phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh được Bộ Y tế ban hành ngày 16-12-2021 sau khi xin ý kiến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Sắp tới, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến sửa đổi các quy định đối với người nhập cảnh trong đó sửa các yêu cầu về xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng như thời gian ở lại điểm lưu trú sau khi nhập cảnh, rút ngắn thời gian cách ly và theo dõi sức khỏe. “Việc sửa đổi này trên tinh thần tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch mở cửa trở lại thích ứng trong điều kiện bình thường mới mà vẫn bảo đảm an toàn, khoa học” – vị này nói.
Theo một số chuyên gia y tế, diễn biến dịch Covid-19 trong nửa đầu năm 2022 sẽ còn phức tạp do nới lỏng nhiều hoạt động, nhất là khi các địa phương mở cửa trường học, mở cửa hoạt động du lịch, kinh doanh dịch vụ… Hiện số ca nhiễm tăng cao nhưng dịch vẫn đang được kiểm soát. Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương cần chú ý năng lực kiểm soát, đáp ứng cao trong việc số ca nhiễm tăng. Đối với hoạt động du lịch địa phương cũng cần có phương án để xử lý phù hợp khi phát hiện ca nhiễm.
N.Dung
Bộ VH-TT-DL quyết giữ quan điểm mở cửa du lịch
Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ngày 4-3 cho biết đã có văn bản báo cáo Chính phủ về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Trong văn bản này, Bộ VH-TT-DL khẳng định giữ nguyên quan điểm của mình trước ý kiến của Bộ Y tế.
Trước yêu cầu khách du lịch ‘‘có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh” của Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL kiến nghị giữ nguyên nội dung này trong phương án của Bộ VH-TT-DL. Cụ thể khách du lịch ‘‘có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh’’ .
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng quy định trên là phù hợp với thực tế vì khách du lịch ở thị trường xa có thời gian bay dài hoặc khách có thể gặp những vấn đề bất khả kháng khách quan khiến chậm trễ nhập cảnh như chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc phải nối chuyến mất nhiều thời gian. Do vậy, không nên quy định khách du lịch có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh.
Về yêu cầu khách du lịch “ở lại nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu kể từ khi nhập cảnh’’ và “trong vòng 72 giờ đầu hành khách không nên rời khỏi nơi lưu trú” của Bộ Y tế, Bộ VH-TT-DL cũng kiến nghị giữ nguyên nội dung trên trong phương án của mình. Cụ thể, trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh bằng đường hàng không), khách về thẳng nơi lưu trú, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, nếu âm tính thì được tham gia các hoạt động du lịch; trường hợp dương tính thì thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý y tế theo quy định. Khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường biển, đường sắt nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm nhanh) tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh cũng được tham gia du lịch, không phải thực hiện biện pháp cách ly.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ quy định này hướng đến sự bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa khách du lịch quốc tế và nội địa cũng như tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nhưng các điều kiện an toàn phòng chống dịch vẫn được bảo đảm. Trước khi nhập cảnh Việt Nam, khách du lịch đã phải đáp ứng các điều kiện là tiêm đủ liều vắc-xin phòng chống Covid-19 liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh; có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.
H.L.Anh
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)