Trang chủ Kinh doanhDoanh nghiệp Du lịch TP HCM tìm hướng bứt phá (*): Nâng tầm sản phẩm chủ lực

Du lịch TP HCM tìm hướng bứt phá (*): Nâng tầm sản phẩm chủ lực

bởi Linh

Dự kiến cuối tuần này, du lịch TP HCM sẽ đón đoàn khoảng 450 khách MICE (khách dự hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch trải nghiệm…) đến từ Ấn Độ. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đây là tín hiệu rất tích cực cho du lịch thành phố trong việc đón khách quốc tế, vì khách MICE thuộc phân khúc khách chi tiêu cao và lưu trú dài ngày.

Đón khách sang, chi tiêu cao

Trong khi đó, đại diện khách sạn 5 sao Park Hyatt Saigon cho biết hoạt động của khách sạn đã nhộn nhịp trở lại với công suất phòng tăng dần lên thời gian qua. Đặc biệt, những dịp cuối tuần, công suất phòng của khách sạn đạt tới hơn 80%, con số chưa từng có trong hơn 2 năm qua.

Du lịch TP HCM tìm hướng bứt phá (*): Nâng tầm sản phẩm chủ lực - Ảnh 1.

Tour du thuyền trên sông Sài Gòn là một trong những sản phẩm du lịch đường sông mới của TP HCM .Ảnh: BÌNH AN

Hiện phân khúc khách chính của Park Hyatt Saigon là doanh nhân, cả khách Việt và khách nước ngoài. “Với tình hình khả quan này, những tháng cuối năm khách sạn có thể đón thêm nhiều khách đến lưu trú” – đại diện khách sạn này dự kiến.

Tương tự, đại diện khách sạn 5 sao Sheraton Sài Gòn cho hay công suất phòng của khách sạn từ hồi đầu năm chỉ khoảng 30% giờ đã tăng mạnh lên 85%-90%. Đối tượng khách chủ yếu là khách đoàn nội địa đến TP HCM dự hội nghị, các doanh nghiệp (DN) họp mặt, tổ chức sự kiện… Các khách sạn đang kỳ vọng dòng khách chính là khách quốc tế sẽ trở lại Việt Nam, trong đó có TP HCM vào mùa cao điểm cuối năm, cũng như dòng khách MICE đang trở lại.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa đánh giá TP HCM có đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch MICE của cả nước với hệ thống khách sạn 4-5 sao, cơ sở lưu trú lớn nhất nước; các DN du lịch hàng đầu cả nước đang hoạt động ở đây; nguồn nhân lực chất lượng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch…

“Du lịch MICE là một trong những sản phẩm đặc trưng, riêng biệt của TP HCM dựa trên những tiềm năng, dư địa vốn có và chưa khai thác hết. TP HCM cũng là một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ… Tiềm năng du lịch MICE rất nhiều nhưng thời gian qua chưa đầu tư, khai thác hết. Do đó, các sở, ban ngành sẽ cùng phối hợp xây dựng kế hoạch liên tịch, để cùng nhau tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những đoàn khách MICE đến tham quan, trải nghiệm tại thành phố” – bà Ánh Hoa nói.

Hiện Chương trình du lịch MICE TP HCM giai đoạn 2022-2025 và Chính sách du lịch MICE TP HCM năm 2022 đã được Sở Du lịch cùng các sở, ban ngành liên quan triển khai. Cụ thể, có nhiều chính sách hỗ trợ và ưu đãi như quà tặng, các nghi thức chào đón, công tác truyền thông, hỗ trợ rút ngắn thời gian cấp giấy phép cho các sự kiện… tạo thuận lợi thu hút khách nội địa và quốc tế. Những chính sách này nhằm hướng đến tăng chi tiêu của du khách, đóng góp nhiều hơn doanh thu du lịch và gia tăng tỉ trọng đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của TP HCM.

Tạo sức hấp dẫn cho du lịch đường sông

Bên cạnh du lịch MICE thì du lịch đường sông cũng đang được nhiều DN ở TP HCM khai thác với hàng loạt tour, tuyến, sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó, đường sông và đặc biệt dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn còn rất tiềm năng và được xem là “mỏ vàng” cho ngành du lịch nếu biết khai thác đúng tầm.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn – đơn vị đang khai thác tour tham quan, trải nghiệm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cho biết trong 2 năm qua dù khó khăn do dịch Covid-19 nhưng những lúc dịch tạm lắng, vẫn có khách đến tham quan, đi thuyền trên kênh cho thấy nhu cầu của khách đối với sản phẩm này là rất lớn. Hiện DN cũng phối hợp với các công ty lữ hành triển khai thêm nhiều hoạt động như xem biểu diễn nghệ thuật trên thuyền, ngắm trăng vào ngày rằm, thưởng thức ẩm thực… để đa dạng và tạo giá trị gia tăng cho du khách.

“Đặc trưng của TP HCM là có những dòng kênh dọc ngang thành phố, một dòng sông Sài Gòn vừa đẹp vừa có khả năng tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách. Cảng Sài Gòn ngay khu vực trung tâm giúp tàu thuyền du lịch có thể cập ngay Bến Nhà Rồng – một di tích lịch sử nổi tiếng, tạo nét riêng và sang trọng không đâu có. Hay rừng ngập mặn Cần Giờ, khu sinh quyển thế giới, là lá phổi của thành phố, nơi có những di tích lịch sử và khu du lịch có tiếng chưa được khai thác hết tiềm năng” – ông Phan Xuân Anh dẫn chứng.

Du lịch TP HCM tìm hướng bứt phá (*): Nâng tầm sản phẩm chủ lực - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài trở lại TP HCM ngày càng nhiều .Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing Công ty TST Tourist, cho hay đến nay tour du thuyền ngắm sông Sài Gòn đã bắt đầu tạo niềm tin cho du khách và thói quen sử dụng dịch vụ chất lượng cao. Sản phẩm tour du thuyền có giá hơn 2 triệu đồng/khách cho lịch trình hơn 2 giờ khám phá cung đường dọc hai bên bờ sông từ bến Bạch Đằng đến cầu Phú Mỹ – khu Mũi Đèn Đỏ (quận 7) và ngược lại về cầu Thủ Thiêm 2, cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh) cùng dịch vụ trên du thuyền…

“Mục tiêu ban đầu là giúp du khách có những trải nghiệm sơ khai về “du lịch du thuyền”, khi đã hiểu khách sẽ có nhu cầu nâng cấp lên du thuyền hạng sang với các tiêu chuẩn cao và chấp nhận giá tour cao hơn. Hiện tại tour du thuyền triển khai chưa phải cao cấp nhưng du khách vẫn được phục vụ chu đáo với mức chi phí hấp dẫn nhất” – ông Nguyễn Minh Mẫn tin tưởng.

Theo các DN, từ lâu TP HCM đã là một thị trường du lịch hấp dẫn với hơn chục triệu dân, nếu biết khai thác và có những sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng sẽ mang về nguồn thu rất lớn. Đặc biệt, dưới tác động của dịch Covid-19, nhu cầu khám phá sản phẩm mới, hấp dẫn ngay tại “sân nhà” tăng cao, đòi hỏi ngành du lịch thành phố cần sáng tạo để tạo ra những trong sản phẩm mới, lạ và mang tính đột phá.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng cần tạo những trải nghiệm khác biệt cho du khách, gồm cả người dân thành phố, du khách trong nước và người nước ngoài đến TP HCM. Qua quá trình khảo sát nhu cầu, thị hiếu, Vietravel đã đưa vào khai thác nhiều bộ sản phẩm du lịch về TP HCM.

Như riêng Cần Giờ có 3 bộ sản phẩm về huyện này để giới thiệu lá phổi xanh của thành phố và du khách có thể trải nghiệm chèo SUP trên sông, lắng nghe hơi thở của rừng Sác, thưởng thức ẩm thực giữa rừng; hay các bộ sản phẩm nội đô, khám phá TP Thủ Đức, quận 5…

“Chỉ riêng TP HCM, chúng tôi đã có 10 bộ sản phẩm tour tuyến cho du khách với cả đường bộ, đường sông nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Các sản phẩm du lịch đều thể hiện điểm nhấn về văn hóa lịch sử, ẩm thực hay nét hiện đại của TP HCM đã, đang được DN du lịch khai thác. Và muốn giữ chân du khách bằng sản phẩm du lịch đường sông, thành phố cần có thêm chính sách thu hút vốn đầu tư tư nhân, hỗ trợ, khuyến khích DN khai thác mặt nước nhằm hình thành sản phẩm đặc trưng trên bến dưới thuyền…” – bà Phương Hoàng nói.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-7

Độc đáo “mỗi quận, huyện một sản phẩm đặc trưng”

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định chiến lược “mỗi quận, huyện một sản phẩm đặc trưng” để cùng khai thác du lịch là ý tưởng hay, sáng tạo của ngành du lịch TP HCM. Đây là mô hình có thể huy động nguồn lực từ tất cả thành phần tham gia làm du lịch và quan trọng là cần đầu tư và tập trung cho sản phẩm độc đáo, riêng có của từng quận, huyện, để nhắc đến là du khách sẽ nhớ, biết đến cái “tiêu biểu, đặc trưng” này.

Thực tế, trong giai đoạn Covid-19, nhiều địa phương cũng đã triển khai những sản phẩm vốn có nhưng được làm mới rất hiệu quả. Như sản phẩm du lịch về nhà tù Hỏa Lò ban đêm hay Hoàng Thành về đêm ở Hà Nội được làm mới, gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, khai thác sâu giá trị của điểm đến… đã thu hút hàng ngàn người dân Hà Nội và du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm