ThS-BS Nguyễn Xuân Trí – Khoa Y, ĐHQG TP HCM – cho biết tỉ lệ bệnh lao tiềm ẩn ở Việt Nam chiếm 80% dân số. Có nghĩa 100 người thì có 80 người tiếp xúc với vi khuẩn lao nhưng không phát thành bệnh lao.
Phát triển thành ung thư
BS Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), cho hay thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp lao màng não thứ phát gây ra não úng thủy. Lao màng não là một trong những bệnh lao nặng nhất trong các bệnh lao. Đây là lao ở hệ thần kinh trung ương nên việc chẩn đoán khó (dễ nhầm với viêm màng não, viêm não), điều trị phức tạp, lâu dài, để lại nhiều di chứng, đặc biệt là ở trẻ em.
Một trong những ca bệnh điển hình trẻ mắc não úng thủy do lao màng não thứ phát, được điều trị thành công tại bệnh viện là bệnh nhi người Campuchia, 8 tuổi, đột nhiên đau đầu, sau đó sốt và rơi vào lơ mơ, mất tri giác. Bệnh nhi được gia đình đưa sang Việt Nam thăm khám và được phát hiện bệnh nhi mắc não úng thủy.
Một trường hợp lao màng não thứ phát gây ra não úng thủy đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)
Tuy nhiên, sau vài tháng điều trị nhưng trẻ không đáp ứng, các bác sĩ nghi ngờ bé mắc lao màng não nhưng phải đến lần xét nghiệm thứ 3 mới phát hiện được vi khuẩn lao. Khi điều trị lao kết hợp điều trị não úng thủy, bé mới khỏe lại.
Lao da cũng dễ nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác. Theo TS-BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên, giảng viên Bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược TP HCM kiêm Trưởng Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tại đây đã tiếp nhận, điều trị một bệnh nhân nam mắc lao da sau 3-4 năm chạy chữa nhiều nơi không khỏi vì bị chẩn đoán nhầm các bệnh da khác. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có nhiều tổn thương da dạng mảng, cục, nốt và loét rải rác ở chân. Sau khi được xét nghiệm bằng giải phẫu bệnh và PCR mới phát hiện lao da.
“Lao da dù chiếm tỉ lệ rất ít trong số các bệnh lý do vi khuẩn lao gây ra, nhưng dễ nhầm lẫn với một số bệnh về da như ung thư da, nấm da, lupus dạng đĩa… Do vậy, khi có triệu chứng bất thường trên da, cần đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và làm xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh lao da có thể phát triển thành một số loại ung thư” – BS Hồng Chuyên cảnh báo.
Chữa khỏi trên 90%
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Thống kê năm 2020, tại Việt Nam, WHO ước tính có hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao.
Theo BS Nguyễn Xuân Trí, vi khuẩn lao khá đặc biệt, chúng có hiện tượng ngưng khuẩn, có nghĩa là phát triển trong cơ thể xong sau đó nó ngưng không phát triển nữa nên việc tìm ra vi khuẩn lao đôi khi là khó. Một số bệnh lao như lao màng não, tỉ lệ tìm được vi khuẩn lao dưới 50% (100 ca thì chỉ khoảng 50 ca phát hiện được vi khuẩn lao). Tuy nhiên, nhiều trường hợp do có những triệu chứng điển hình của bệnh lao nên bệnh nhân vẫn được điều trị theo phác đồ của bệnh lao dù không tìm ra vi khuẩn lao.
“Bệnh lao rất dễ nhầm lẫn với bệnh khác, do đó, khi thăm khám, điều trị, nhân viên y tế cần lưu ý yếu tố này vì Việt Nam là vùng dịch tễ lao, có tỉ lệ mắc bệnh cao. Ở nước ngoài khi phát hiện một hạch viêm mãn tính ở cổ đa số có chẩn đoán là ung thư, bệnh lao rất ít. Tuy nhiên, tại Việt Nam cùng căn bệnh này nguyên nhân mắc bệnh lao chiếm đến 60%, ung thư chỉ chiếm 40%” – BS Trí thông tin.
BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên cho rằng điều trị lao nếu sử dụng đúng phác đồ thì tỉ lệ chữa khỏi trên 90%. Phác đồ điều trị lao 6 tháng bao gồm 4 thuốc được khuyến cáo đầu tiên là kết hợp rifampicin, isoniazid, ethambutol và pyrazinamide trong 2 tháng, sau đó 4 tháng tiếp theo dùng liên tục rifampicin và isoniazid. Những người nhiễm HIV thì có tỉ lệ chữa khỏi thấp hơn so với người khỏe mạnh.
“Các thuốc điều trị lao vẫn có thể tiếp tục sử dụng khi bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân đang điều trị lao da không nên tự ý ngừng thuốc trừ khi có cân nhắc chỉ định đặc biệt từ bác sĩ chuyên khoa. Ngừng thuốc hoặc dùng thuốc không đúng liều lượng và thời gian có thể khiến cho bệnh khó điều trị khỏi và tỉ lệ kháng thuốc sẽ tăng cao” – BS Chuyên lưu ý.
“Đối với trẻ nhỏ, chủng ngừa lao sẽ giúp bảo vệ trẻ không mắc các bệnh lao nặng như lao màng não hay lao kê. Phòng tránh bệnh lao cũng như những bệnh lây truyền khác qua đường hô hấp, đeo khẩu trang, không khạc nhổ nơi công cộng sẽ hạn chế được nguồn lây bệnh. Khi phát hiện bệnh lao, chỉ cần 2 tuần điều trị là không còn khả năng lây nhiễm” – BS Nguyễn Xuân Trí tư vấn.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)