Nghịch lý trên thị trường ôtô hiện nay là nhiều mẫu xe “hot” của các thương hiệu được ưa chuộng đang khan hàng, còn không ít mẫu xe khác thì ế ẩm dù hãng và đại lý mạnh tay giảm giá, tăng ưu đãi.
Chật vật tìm khách
Theo ghi nhận của phóng viên, một số mẫu xe của Ford như Everest, Explorer… dù được giảm giá đến vài chục triệu đồng mỗi chiếc, hỗ trợ lệ phí trước bạ và tặng kèm gói phụ kiện, bảo hiểm vật chất nhưng vẫn bán ra khá chậm. Tương tự, Honda cũng phải chật vật tìm khách hàng với chính sách tặng gói bảo hiểm vật chất, camera hành trình, cảm biến lùi, phim cách nhiệt, lót sàn, viền che mưa, bệ bước chân…
Trong khi nhiều mẫu xe đang “cháy” hàng thì không ít mẫu bị khách hàng thờ ơ
Khá nhiều thương hiệu xe hơi trên thị trường không được khách hàng dành nhiều sự quan tâm như Nissan, Suzuki, Mitsubishi, Isuzu, MG, Subaru… cũng phải đưa ra nhiều chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Đơn cử, khách mua xe Isuzu được giảm giá 40 triệu đồng, tặng thêm máy lọc không khí, camera hành trình, cảm biến áp suất lốp. Volkswagen vừa chào bán mẫu SUV đô thị mới T-Cross tại thị trường Việt Nam với giá bán chỉ khoảng 1 tỉ đồng cùng nhiều ưu đãi lên đến 200 triệu đồng để gây chú ý. Hãng Suzuki hỗ trợ 1 năm bảo hiểm vật chất, 100% lệ phí trước bạ. Hãng Mitsubishi tặng camera lùi, camera 360 độ, bộ phụ kiện, bảo hiểm vật chất, phiếu nhiên liệu trị giá 10-30 triệu đồng… Trong khi đó, Subaru ưu đãi gần 200 triệu đồng cho khách mua xe Forester, bao gồm 100% lệ phí trước bạ, bảo dưỡng, màn hình đa phương tiện.
Đáng chú ý, ngay cả thương hiệu nổi tiếng Toyota cũng có nhiều mẫu xe ế ẩm trong thời gian dài, chẳng hạn Land Cruiser, Hiace, Granvia, Alphard. Nhiều mẫu giá rẻ của hãng này như Wigo, Rush hay Avanza cũng không được thị trường đón nhận, lượng xe bán ra rất thấp.
Cạnh tranh khốc liệt
Nguyên nhân chính khiến nhiều mẫu xe luôn ế ẩm dù thị trường đang “khát” xe là bởi khả năng cạnh tranh không cao. Chẳng hạn, mẫu Toyota Wigo kén khách do không thể cạnh tranh được với các mẫu xe khác có dải giá tương đương như Hyundai Grand i10, Kia Morning hay VinFast Fadil. Hoặc mẫu Toyota Innova dù từng “làm mưa làm gió” trên thị trường cách đây khoảng 10 năm nhưng nay không cạnh tranh được với XL7, Xpander có nhiều tiện ích, công nghệ hơn và giá rẻ hơn đến 200-300 triệu đồng/chiếc.
Giới kinh doanh xe cho hay mỗi hãng đều có một số mẫu chiến lược với doanh số dẫn đầu, hàng tồn kho không nhiều, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường ở một số thời điểm. Ngược lại, hãng nào cũng có những mẫu tiêu thụ chậm dù chính sách ưu đãi rất lớn. “Các hãng không thể chỉ tập trung vào những dòng xe chiến lược mà luôn phải đa dạng hóa các mẫu xe nhằm đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng và cạnh tranh với các hãng khác theo từng phân khúc. Đó là lý do mặc dù sức mua chậm nhưng nhiều hãng vẫn sản xuất các mẫu xe không thật sự hấp dẫn thị trường” – ông Bùi Thanh Tuấn, phụ trách kinh doanh đại lý ôtô ở TP Thủ Đức (TP HCM), lý giải.
Theo ông Trang Hoàng Long, chủ showroom ôtô Thiên Minh Saigon, đa phần khách mua xe đều chọn thương hiệu mạnh, có tiếng lâu năm. Bởi thông thường những sản phẩm của các hãng này có độ bền cao; chi phí sửa chữa thấp; dễ tìm phụ tùng hoặc linh kiện; không bị mất giá nhiều sau thời gian sử dụng… Do vậy, dễ hiểu vì sao nhiều mẫu của các thương hiệu không mạnh thường có tồn kho lớn, phải bán “xả” hàng với chính sách giảm giá hấp dẫn.
Tiêu thụ ôtô tháng 5 tăng 3,4%
Tổng lượng tiêu thụ ôtô trong tháng 5 đạt 43.816 chiếc, tăng nhẹ 3,4% so với tháng trước đó, theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA). Doanh số này tăng mạnh đến 71% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo VAMA, lượng xe du lịch bán ra trong tháng 5 vừa qua là 35.210 chiếc, tăng 5% so với tháng 4; xe thương mại đạt doanh số 7.929 chiếc, giảm 0,8%, xe chuyên dụng bán ra 677 chiếc, giảm 13%.
Đối với xe lắp ráp trong nước, có 25.580 chiếc được tiêu thụ trong tháng 5 vừa qua, tăng 1% so với tháng trước đó. Tổng lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc được bán ra là 18.236 chiếc, tăng 7% so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng lượng xe của các thành viên VAMA bán ra tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xe du lịch tăng 57%, xe thương mại giảm 5% và xe chuyên dụng tăng 21%.
Riêng Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại và Dịch vụ VinFast đạt doanh số 3.050 xe trong tháng 5, tăng 25,6% so với tháng 4. Trong đó, có 1.909 xe Fadil, 425 xe Lux A2.0, 268 xe Lux SA2.0 và tiếp tục bàn giao 448 xe VF e34 cho khách hàng. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp lượng ôtô điện VF e34 bàn giao cho khách hàng đạt hơn 400 xe.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)