Thông tin trên do đài RT dẫn lời Phó Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng của Ủy ban châu Âu Matthew Baldwin cho biết tại cuộc họp báo ở Abuja – Nigeria hồi cuối tuần trước.
Theo đó, EU có kế hoạch tăng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nigeria trong bối cảnh lo ngại rằng nguồn cung từ Nga có thể bị cắt giảm.
“Châu Âu đang ở trong hoàn cảnh khó khăn về vấn đề khí đốt sau chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, sự bất ổn trên thị trường khí đốt và nguy cơ bị cắt đứt nguồn cung hoàn toàn. Vì vậy, mục tiêu chính của chúng tôi là tiếp cận với các đối tác đáng tin cậy như Nigeria để thay thế khí đốt từ Nga bằng khí đốt từ các đối tác đáng tin cậy” – ông Baldwin nói.
Công nhân tại đường ống khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin – Đức. Ảnh: Sputnik
EU là khách hàng mua LNG lớn của Nigeria. 60% lô hàng LNG từ nước này được cung cấp đến châu Âu, chiếm 14% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối.
“Chúng tôi muốn mở rộng thị phần hiện chiếm 14% tổng lượng LNG nhập khẩu từ Nigeria. Chúng tôi muốn con số đó tăng lên” – ông Baldwin tuyên bố.
Cũng theo ông Baldwin, EU đang tìm cách mở rộng nguồn cung cấp LNG ngắn hạn từ Nigeria nhưng hiện tại, công suất và tỉ lệ sử dụng LNG của Nigeria quá thấp.
Ông Baldwin cho hay chuyến thăm quốc gia châu Phi này của mình chủ yếu tập trung vào việc tìm hiểu thực tế và các đại diện của hai bên sẽ gặp lại vào tháng 8 để thảo luận thêm.
Bình luận về các cuộc đàm phán ở Nigeria trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Baldwin thừa nhận “có tiềm năng rất lớn để thay thế khí đốt của Nga”.
EU là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm 2021, khối đã mua 80 tỉ m3 LNG. Trong số các nhà cung cấp LNG chính của EU bao gồm Mỹ (28%), Qatar và Nga (20% mỗi nước), Nigeria (14%) và Algeria (11%).
Nga là nhà cung cấp khí thiên nhiên lớn nhất của châu Âu (41% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU tính đến năm 2021). Tuy nhiên, trước cuộc khủng ở Ukraine, đầu năm nay, châu Âu đề ra kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga bởi lo ngại tình hình có thể leo thang và đang tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt của nước này.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)