Được nhất trí sau 8 giờ thảo luận, Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) đặt ra các quy tắc cho những công ty kiểm soát dữ liệu người dùng và quyền truy cập các nền tảng phổ biến, như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hệ điều hành, dịch vụ quảng cáo trực tuyến, điện toán đám mây, dịch vụ chia sẻ video, trình duyệt web và trợ lý ảo.
Cụ thể, theo DMA, các công ty công nghệ lớn sẽ phải điều chỉnh dịch vụ nhắn tin để chúng có thể tương tác với các dịch vụ hoặc ứng dụng khác, đồng thời cung cấp cho người dùng doanh nghiệp quyền truy cập dữ liệu của mình. Người dùng doanh nghiệp có thể quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ cạnh tranh trên một nền tảng, đồng thời đạt thỏa thuận với khách hàng bên ngoài nền tảng đó.
Logo Google ở lối vào văn phòng Google tại thủ đô Berlin – Đức Ảnh: Reuters
Theo Reuters, DMA sẽ được áp dụng đối với công ty có giá trị vốn hóa thị trường 75 tỉ euro (khoảng 82,5 tỉ USD), doanh thu hằng năm 7,5 tỉ euro và ít nhất 45 triệu người dùng mỗi tháng. Công ty vi phạm sẽ đối mặt khoản phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu mỗi năm và 20% nếu tái phạm. DMA dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.
Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp EU Thierry Breton khẳng định DMA sẽ bảo đảm thị trường kỹ thuật số trở nên công bằng và cởi mở hơn tại châu Âu. Trong khi đó, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager cho rằng các công ty “gác cổng trực tuyến” nói trên đang ngăn nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hưởng lợi từ thị trường kỹ thuật số cạnh tranh.
Đáp lại, hãng Apple cảnh báo một số điều khoản của DMA sẽ tạo ra các lỗ hổng không cần thiết về bảo mật và quyền riêng tư cho người sử dụng. Google cũng lo ngại một số quy định có thể cản trở đổi mới sáng tạo và giảm bớt những lựa chọn có sẵn cho người dùng châu Âu.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)