Theo Reuters, dữ liệu được trình bày tại hội đồng gồm nhiều chuyên gia trong và ngoài Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho thấy các loại vắc-xin hiện tại đã mất đi nhiều hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm đối với biến chủng Omicron – được biết là mang nhiều đột biến “thoát miễn dịch” – cho dù tốt hơn trong việc phòng ngừa bệnh nặng.
Một người đàn ông Mỹ nhận được một mũi tiêm nhắc lại ở Chicago, Illinois – Ảnh: REUTERS
Các quan chức hàng đầu của FDA cho biết cơ quan này đang nhắm tới một quyết định quan trọng vào tháng 6 xem có nên thay đổi thiết kế của vắc-xin Covid-19 trong việc chống lại các biến thể trong tương lai hay không.
Đó sẽ là loại vắc-xin đơn giá, tức nhắm riêng vào các biến chủng mới được cho là nguy hiểm trong tương lai, chứ không phải vắc-xin kiểu phổ quát như hiện nay, chủ yếu đã được thiết kế dựa trên chủng gốc.
Ông Peter Marks, Giám đốc Trung tâm Đánh giá và nghiên cứu sinh học của FDA, thừa nhận rằng các chiến dịch tiêm chủng tăng cường Covid-19 trong tương lai có thể cần ít thường xuyên hơn.
Trước đó, FDA đã phê duyệt đợt tiêm phòng mũi 4, tức mũi tăng cường thứ 2 dành riêng cho những người từ 50 tuổi trở lên, người bị suy giảm miễn dịch.
Ông Marks nhấn mạnh ông là người đầu tiên thừa nhận mũi 4 vừa được phê duyệt này sẽ như một “nút đóng” cho liệu trình cơ bản và sẽ cung cấp dữ liệu để đo lường thêm hiệu quả của vắc-xin hiện tại.
Trước đó, các nghiên cứu ở Israel cho thấy mũi 4 tuy không tạo ra thêm lợi ích đáng kể nào cho người khỏe mạnh nhưng lại giúp giảm tỉ lệ mắc Covid-19 nghiêm trọng ở đối tượng nguy cơ, như người từ 60 tuổi trở lên.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)