Hồi còn lúa mùa một năm dài đằng đẵng, thu hoạch trúng mùa mừng lắm, lập tức bày ra lễ cúng tạ ơn Thần Nông. Trong mâm cúng bao giờ cũng có dĩa gạo muối, trịnh trọng bốc lấy gạo muối quăng ra bốn phương. Với những người sống với nghề hạ bạc, khi giở đống chà trúng được nhiều cá, bao giờ cũng lấy dĩa gạo muối ra cúng rồi quăng xuống sông tạ ơn thủy thần.
Con người ngày nay quá nhiều nhu cầu, bận rộn loay hoay với cuộc sống, mỗi năm làm ba bốn vụ lúa nên sự thiêng liêng như phai dần. Tuy nhiên, tục cúng gạo muối không mất mà vẫn tồn tại trong nhiều gia đình. Gạo muối như có mặt thường trực ở bàn Thổ Địa, Thần Tài để mong ước nhà lúc nào cũng ấm no. Trong đêm giao thừa, gió chuyển mùa sang là giờ phút âm dương giao hòa, người cõi âm trở về. Giờ phút ấy trở nên thiêng liêng. Sau khi thắp nhang đèn lạy mừng tuổi ông bà, gia chủ nhẹ nhàng bưng dĩa gạo muối ra sân. Gạo dành cho những cô hồn đói khát, muối để trừ ma quỷ.
Gạo muối nuôi sống con người, là người bạn không thể thiếu trong cuộc đời. Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị chỉ với 7 thanh mô-đun đã tạo ra nhiều tác phẩm. Ở đây chỉ cần gạo muối qua đôi tay tài tình của những bà mẹ biến hóa ra thành bánh hỏi, bánh tằm, bún, miến, hủ tiếu, mì, bánh tráng… Để rồi qua đây, nó trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật nấu ăn phong phú và vô số các món ăn mang đậm dấu ấn các vùng miền.
Mỗi một món ăn có thể gọi đó là bài thơ ẩm thực. Bài thơ ẩm thực khác với thơ phú ở chỗ như không có khoảng ngăn cách. Người chẳng những đến với bài thơ bằng các giác quan mà còn ôm trọn nó vào lòng. Nếu như bài thơ hay thì tên tác giả, địa phương sống mãi theo thời gian. Bài thơ ẩm thực cũng vậy. Chắc là ai cũng nhớ một vài tên tuổi gắn liền với món ăn như bánh bao Cả Cần, bánh xèo Mười Xiềm, bánh pía Vũng Thơm, bánh bò Bà Lai. Riêng Long Xuyên (An Giang), hễ nói đến cháo lòng thì ai cũng nói cháo lòng Đông An.
Do 60 năm trước, chợ Đông An bên cạnh có lò sát sinh, mỗi đêm mổ hàng trăm con heo cung cấp cho cả tỉnh. Chợ nhóm vào 2 giờ, đặc biệt với món cháo lòng, do thợ làm heo mỗi người gửi vô nồi cháo xâu lòng để sau khi xong việc lấy ra nhâm nhi. Cháo vì thế mà ngon ngọt, đậm đà tự nhiên khiến dân Long Xuyên thức sớm tập trung về đây để ăn cháo. Ai dậy trễ 6 giờ coi như hết cháo. Hình ảnh của chợ cháo khuya Đông An in sâu vô ký ức người Long Xuyên. Lò sát sinh giải thể đã lâu, chợ không còn như xưa. Sau đó, dân chợ Đông An tỏa ra đi khắp nơi, đặc biệt với nghề bán cháo lòng treo bảng hiệu cháo lòng Đông An như một thương hiệu.
Với người dân sống ở thành phố, muốn ăn gì cũng có, còn gọi điện cho người mang đến tận nhà. Cho nên cái gọi là tình gạo muối để làm ra bài thơ ẩm thực không sâu đậm bằng người sống nơi đồng quê, nhất là vùng sâu. Trưa hè heo hút tiếng gà buồn miệng, có tiền mà chẳng thấy ai bán món gì ăn. Vì vậy, dân ở đồng ruộng hầu như nhà nào cũng ngâm gạo xay bột để dành nhất là mấy gia đình đông con cháu. Không khí gia đình vui lên khi có sẵn bột làm thứ gì không được.
Gạo muối thêm nước lửa vốn quá quen thuộc, quen mắt mọi người. Chỉ bằng tình yêu mới khám phá hết vẻ đẹp giá trị của chúng. Và cũng chẳng ngạc nhiên khi gạo muối trở thành biểu tượng tâm linh trong đêm trừ tịch giao thừa.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)