Trong lịch sử, Na Uy cung cấp khoảng 1/5 lượng khí đốt nhập khẩu của Đức nhưng trong năm nay, con số này đã gần đạt gần 30%, theo tờ Zeit.
Tuy nhiên, việc Oslo tăng hạng liên quan nhiều đến việc Moscow cắt giảm lượng khí đốt giao hàng hơn là có bất kỳ sự gia tăng lớn nào trong hoạt động xuất khẩu của Na Uy. Thủ tướng Na Uy cũng đã nói rõ rằng nếu không có các dự án khí đốt mới, thì việc tăng thêm sản lượng sẽ không xảy ra. Tháng trước, Na Uy đã xuất khẩu 10,2 tỉ m3 khí đốt trên toàn cầu, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho rằng giá khí đốt của châu Âu có thể tăng 60% lên hơn 4.000 USD/1.000 m3 vào mùa đông năm nay. Ảnh: Reuters
Bất chấp mức tăng không đáng kể đó, doanh thu xuất khẩu khí đốt của Na Uy đạt đến 13 tỉ euro trong tháng 7, cao hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với việc Nga bị xem là nhà cung cấp không đáng tin cậy, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang hy vọng nhận được nhiều khí đốt hơn từ Na Uy.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Bộ Năng lượng của Na Uy đã phê duyệt gia tăng cấp phép sản xuất tại một số mỏ khí đốt chính nhưng cũng cảnh báo sản lượng khai thác gần chạm mức trần.
Trong khi đó, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cho rằng giá khí đốt của châu Âu có thể tăng 60% lên hơn 4.000 USD/1.000 m3 vào mùa đông năm nay do xuất khẩu và sản lượng khai thác của tập đoàn tiếp tục giảm.
Theo hãng tin Reuters, giá khí đốt có lúc tăng kỷ lục lên gần 340 USD/ MWh vào mùa xuân, sau đó giảm xuống gần 230 USD vào ngày 15-8 nhưng vẫn cao hơn mức một năm trước, thời điểm khí đốt Nga có giá khoảng 46 USD/MWh.
Dòng khí đốt từ Nga đã giảm trong năm nay sau khi Ukraine đóng một đường ống chuyển khí đốt chạy qua lãnh thổ. Gazprom cũng giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức xuống mức 20% sau nhiều tranh cãi liên quan tới thiết bị nén khí, khiến giá khí đốt tăng mạnh.
Tính từ đầu năm tới hôm 15-8, sản lượng xuất khẩu khí đốt của Gazprom đã giảm 36,2%, xuống mức 78,5 tỉ m3. Sản lượng khai thác khí đốt của tập đoàn này cũng giảm 13,2% so với một năm trước, xuống mức 274,8 tỉ m3.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)