Bà Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng (NH) doanh nghiệp (DN) – HSBC Việt Nam, cho rằng các công cụ tài chính thay thế như quỹ đầu tư tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm… cũng có thể giúp các DN nhỏ và vừa huy động vốn cho hoạt động kinh doanh. Nhiều chuyên gia khuyến nghị quản trị tài chính hiệu quả thời điểm này cũng là giải pháp giúp DN giảm áp lực về vốn, thay vì tìm cách vay thêm vốn tín dụng.
Vay vốn khó, doanh nghiệp tự xoay xở
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cho biết công ty ông lâu nay chủ yếu xoay xở vốn từ các cổ đông lớn, ít vay vốn NH. Du lịch, nhất là lữ hành, rất khó tiếp cận vốn tín dụng vì các DN không có tài sản thế chấp, trong khi vay tín chấp cũng không dễ.
“Nhu cầu vay vốn của DN du lịch thường là để trả trước vé máy bay, khách sạn số lượng lớn… nhưng sau 2 năm dịch COVID-19 quá khó, đến giờ vẫn còn nhiều rủi ro nên không dám mạnh tay vay vốn NH. Chúng tôi không chủ trương huy động vốn từ kênh tín dụng mà vận động cổ đông lớn góp thêm vốn khi cần thiết, bớt áp lực trả lãi vay” – ông Phan Xuân Anh nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty ABC Bakery, chia sẻ quan điểm của ông là làm chậm, phát triển vững chắc nên hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty chủ yếu từ vốn tự có.
“Dù có nhu cầu nhập nguyên liệu nhiều cho hoạt động sản xuất nhưng tôi sẽ nhập dần dần và cân đối vốn tự có. Vì vay tín dụng mà không tính toán kỹ hoặc khi gặp sự cố phát sinh sẽ khó xử lý được” – ông Kao Siêu Lực nói.
Các doanh nghiệp cần linh hoạt tìm nhiều nguồn vốn khác nhằm giảm lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng trong bối cảnh room cho vay hạn chế Ảnh: TẤN THẠNH
Trước thực tế việc tiếp cận nguồn vốn NH gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu vốn để hoạt động là rất bức thiết, các DN đã linh hoạt tìm kiếm nguồn tài chính từ nhiều kênh khác.
Ông Phạm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fastship Việt Nam (DN khởi nghiệp – startup lĩnh vực chuyển phát nhanh đang nhượng quyền khoảng 200 bưu cục trên cả nước), cho hay vừa huy động được gần 5 tỉ đồng từ các đối tác nhận nhượng quyền mô hình bưu cục chuyển phát nhanh để tái cấu trúc hoạt động công ty.
“Chúng tôi gặp một số khó khăn về tài chính, cần số tiền đó để cân đối nhưng không thể vay NH nên quyết định nhận góp vốn từ nội bộ” – ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, bản chất của các startup là thời gian hoạt động chưa lâu, chưa có lợi nhuận và tài sản thế chấp để vay vốn, nếu vay được cũng cần rất nhiều thời gian theo đuổi, hoàn tất thủ tục hồ sơ. Do đó, đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ vốn cho DN startup.
Cần thêm “bệ đỡ” hỗ trợ doanh nghiệp
Bà Stephanie Betant nhận định có nhiều giải pháp tài chính dành cho các DN nhỏ và vừa nhưng trong điều kiện thị trường hiện nay tạo ra nhiều thử thách và không phải DN nào cũng tiếp cận được. Đổi lại, các DN nhỏ và vừa là một phần trong hệ sinh thái của DN lớn và những công ty đa quốc gia, nên họ có thể tận dụng một số giải pháp đang có sẵn áp dụng cho các nhà cung ứng trong hệ sinh thái.
“Nếu một DN nhỏ và vừa là nhà cung cấp cho một công ty lớn vốn là khách hàng của HSBC, theo chương trình Tài trợ nhà cung cấp mà chúng tôi đang thực hiện, HSBC có thể tài trợ cho DN này dựa trên cơ sở chứng từ thương mại nhà cung cấp này phát hành cho khách hàng của chúng tôi” – bà Stephanie Betant nói.
Liên quan đến giải bài toán tiếp cận vốn tín dụng, theo các chuyên gia, câu chuyện khó tiếp cận vốn đối với DN nhỏ và vừa không mới, thậm chí đã được đề cập tìm giải pháp từ nhiều năm nay. Nhiều DN đề xuất cần chính sách để tiếp cận nguồn vốn tín chấp từ NH với những dự án được đánh giá khả thi, có triển vọng, có doanh thu, vì DN nhỏ, siêu nhỏ yêu cầu về tài sản thế chấp là rất khó.
Một giải pháp cấp bách được luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (Huba), đề xuất cần phải làm ngay là gỡ khó cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Nhiều năm trước, TP HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước ra đời và hoạt động mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, với sự góp vốn của ngân sách và một số tổ chức tín dụng. Đây được xem là “bệ đỡ” góp phần giúp DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên hiện tại, mô hình này đã ngừng bảo lãnh vay vốn cho DN nhỏ và vừa mà chỉ còn tư vấn và đào tạo. Điều này, theo các chuyên gia, là “quá lãng phí” trong khi DN rất cần để tiếp cận được vốn tín dụng. Trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có quy định về thành lập Quỹ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa nhưng đến giờ ngay cả TP HCM cũng chưa có quỹ này, nên cần sớm đẩy mạnh thành lập, đưa vào hoạt động. Nếu được, có thể nhập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Quỹ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa làm một để nhẹ bộ máy, hỗ trợ tốt hơn cho DN.
“Các DN cũng cần giảm lệ thuộc vào tín dụng NH vì trong bối cảnh lãi suất cho vay đang tăng lên, nhất là hoạt động sản xuất – kinh doanh còn nhiều rủi ro. Khi hoạt động, DN nên có ít nhất 70% vốn tự có thì mới an toàn, khoảng 30% vốn còn lại mới nên huy động từ NH hoặc các nguồn vốn khác. Chỉ nên tiếp cận tín dụng NH để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động và không nhất thiết trông chờ hết vào vốn tín dụng” – ông Phạm Ngọc Hưng nói.
Ngoài ra, theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, các DN cần chú trọng quản trị tài chính, rà soát lại những khoản đầu tư ngoài ngành hoặc đầu tư dàn trải chưa hiệu quả; rà roát đối tác, khách hàng xem những khoản nợ khó đòi, nợ của khách hàng chưa trả… để thu hồi vốn, làm sao cho dòng tiền xoay trở hiệu quả nhất.
Phấn đấu ổn định lãi suất cho vay
Liên quan đến lãi suất cho vay, tại họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết định hướng là ổn định lãi suất cho vay. NH Nhà nước sẽ vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát tiết giảm các chi phí hoạt động, tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và DN trong thời gian tới.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-10
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)