Đây là những yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2022 vừa được ban hành.
Thiếu vốn, doanh nghiệp xoay trở
Những ngày cuối năm, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết hầu hết doanh nghiệp (DN) ngành dệt may vẫn đang gặp khó khăn do sức mua sụt giảm ở nhiều thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ vốn chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành nhưng sức mua lại xuống thấp trầm trọng. Nhiều nhà mua hàng đang tồn kho lượng lớn sản phẩm.
“Khó khăn càng gia tăng khi DN vừa bị ảnh hưởng bởi khó khăn toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine khiến đơn hàng sụt giảm, công nợ kéo dài. Người bán không bán được hàng nên chậm thanh toán khiến DN dệt may chịu áp lực lớn về tài chính” – bà Tuyết Mai phản ánh.
Doanh nghiệp trong các lĩnh vực thời gian gần đây rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh. Ảnh: TẤN THẠNH
Các DN ngành dệt may xuất khẩu muốn có lãi thì nhận đơn hàng FOB (giao hàng trên tàu) nhưng để làm điều này, cần phải có vốn để mua nguyên liệu, bán thành phẩm. Với lãi suất ngân hàng (NH) đang cao như hiện tại cộng với việc khách hàng trả chậm, DN khó tìm kiếm lợi nhuận.
Tình hình chung là các DN đang cố gắng chống chịu. Đại diện Vitas so sánh khó khăn hiện tại không thua gì những khó khăn trong giai đoạn COVID-19. Vì vậy, kiến nghị nhà nước có chính sách tốt để hỗ trợ DN, tạo động lực cho DN trong đó đặc biệt cần thiết là chính sách chính miễn, giảm, giãn thuế cho DN.
Với các DN bất động sản, những khó khăn trên thị trường thời gian qua ảnh hưởng đến gần như tất cả DN, thậm chí nhiều DN có liên quan cũng bị “vạ lây”. Ông Phạm Quân Lực, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons, cho biết DN ông là nhà thầu xây dựng cho nhiều dự án, công trình trong lĩnh vực bất động sản nhưng khi các chủ đầu tư gặp khó khăn, công ty ông cũng bị ảnh hưởng vì bị chậm thanh toán hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp.
Do đó, công ty phải chọn lựa dự án có nhu cầu thật sự, phân khúc bình dân, thu nhập thấp để nhận triển khai hoặc chuyển hướng nhận thêm xây dựng cho các dự án chủ đầu tư là DN có vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI)…
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, phân tích trong năm 2022, nền kinh tế đạt được thành công trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Nhưng từ quý IV/2022 đã có những yếu tố tác động tiêu cực rất lớn đối với thị trường thế giới, trong đó có 2 nhóm vấn đề tác động khá mạnh tới kinh tế Việt Nam. Đó là sự tác động của lạm phát trên thế giới, sự tăng giá của đồng USD, sự mất giá của nhiều đồng tiền so với đồng USD, tạo nên áp lực lạm phát…
Đối với Việt Nam, chúng ta là nền kinh tế mở nên những yếu tố trên tác động còn mạnh hơn. Nhiều nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng tới các ngành kinh tế của Việt Nam, nhất là xuất khẩu từ dệt may, da giày, đồ gỗ, đặc biệt là các DN nhập khẩu của Việt Nam ở các thị trường lớn, chủ yếu bán hàng tồn kho, không có đơn đặt hàng, buộc các DN trong nước phải cắt giảm sản xuất, cho công nhân nghỉ việc…
“Giải pháp chấn chỉnh những bất cập, sai phạm trên thị trường tài chính, nhất là thị trường trái phiếu, bất động sản làm cho tâm lý thị trường e ngại và cũng tạo điểm nghẽn.
Để kiểm soát lạm phát trong nước, NHNN tập trung các giải pháp về tiền tệ, không tăng hạn mức room tín dụng xác định từ đầu năm 2022 là 14% khiến vốn tín dụng cũng không dồi dào. Việc điều chỉnh lãi suất, cả những giải pháp ứng phó với tác động của thị trường trái phiếu cũng góp phần làm cho tác động chung thị trường vốn bị nghẽn lại” – TS Trần Du Lịch phân tích.
Các kênh dẫn vốn bị tắc nghẽn
Trong câu chuyện khó khăn về vốn cho trái phiếu DN, các chuyên gia phân tích có một nguyên nhân ở hiện tại, là các DN không phát hành được trái phiếu để huy động vốn thêm mà còn tăng cường mua lại trái phiếu cũ để tránh rủi ro pháp lý. Xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn của DN tăng mạnh trong 11 tháng của năm nay càng làm cho dòng vốn trên thị trường bị thu hẹp.
Để giúp DN giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn quốc tế CIB, đề xuất 3 nhóm giải pháp. Trong đó, cần phải tính toán khả năng từ nội tại chính DN.
Các DN nên liệt kê xem tài sản còn lại những gì. Đối với DN đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn, như cách một số DN đã làm trong giai đoạn gần đây.
“Riêng những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém hiệu quả, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, DN cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc DN rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…” – ông Mã Thanh Danh nói.
Chuyên gia tài chính NH, TS Trịnh Đoàn Tuấn Linh cho rằng trái phiếu cơ bản là kênh huy động vốn tốt cho DN, cho nền kinh tế. Vì vậy phải “gạn đục khơi trong” chứ không chỉ nhìn thấy những cái khó, cái vướng.
Hiện tại có nhiều phương pháp giải cứu cho các DN đã phát hành trái phiếu khá nhiều, trong đó phương pháp “hàng đổi hàng”, cùng hợp tác đầu tư, gia hạn thời gian thanh toán, cộng thêm lãi… cũng là cách tốt các DN đang làm.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Đoàn Luật sư TP HCM, nhận định để có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, đòi hỏi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, NHNN, Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần nâng cao việc giám sát kiểm tra hoạt động phát hành trái phiếu DN.
Hôm nay, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm
Nhằm tạo điều kiện để các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo bộ ngành và doanh nghiệp trao đổi, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho cộng đồng doanh nghiệp, 8 giờ 30 phút hôm nay, 13-12, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp” qua hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hội trường Lầu 2, trụ sở Báo Người Lao Động, số 123 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM.
Tham dự tọa đàm có ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh TP HCM; ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI); TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia; TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế.
Phía các NH thương mại có ông Nguyễn Minh Trí, Thành viên HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank); ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Phụ trách phía Nam; ông Nguyễn Hiếu Nhân, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp – Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Phía doanh nghiệp có ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel; ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM.
Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 11, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính, NHNN, Bộ Công an và các Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần phối hợp chặt chẽ để có phương án xử lý phù hợp, kịp thời khi có những diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề giải quyết tiền gửi và trái phiếu DN… không để tác động đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, sự phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)