TS HUỲNH THANH ĐIỀN, chuyên gia tài chính – ngân sách, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM:
Phải kìm được đà tăng giá
Mặc dù giá xăng dầu đã giảm gần 7.000 đồng/lít so với hồi tháng 6 nhưng với tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường quốc tế chưa giảm nhiệt, chi phí vận chuyển quốc tế không giảm…, khó kỳ vọng giá hàng hóa giảm tương ứng với mức giảm giá xăng dầu. Bài toán hiện tại là làm sao kìm được đà tăng giá, giữ giá hàng hóa không tăng nhanh, tăng mạnh cùng áp lực lạm phát rất lớn trong thời gian tới?
Giải pháp đầu tiên là nắn dòng tiền chảy vào sản xuất để tạo ra hàng hóa, cân bằng tiền – hàng. Theo đó, cần thắt chặt tín dụng đối với lĩnh vực không thiết yếu như cho vay đầu tư – kinh doanh bất động sản song song với mở rộng cho vay sản xuất – kinh doanh. Thời gian qua, giải pháp này được vận dụng có phần chưa thực sự linh hoạt nên doanh nghiệp (DN) ở nhiều ngành nghề bị “đuối”. Trong khi đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, Trung Quốc vẫn còn thực hiện chính sách “zero Covid” khiến DN Việt không nhập được hàng từ Trung Quốc mà phải chuyển sang nhà cung cấp khác và phải trả tiền ngay. Ở chiều ngược lại, DN khi bán hàng phải cho khách trả chậm hoặc trả theo tiến độ dẫn đến hụt tiền.
Giải pháp tiếp theo là áp dụng chính sách điều tiết cung – cầu ngoại tệ, bảo hiểm tỉ giá, bảo lãnh thanh toán… Trong đó, bảo hiểm tỉ giá có tác dụng hỗ trợ DN phòng tránh rủi ro, bảo lãnh thanh toán giúp DN quay vòng vốn nhanh hơn.
Cuối cùng, nhà làm chính sách cần có cái nhìn thoáng hơn để đưa ra những quyết sách phù hợp. Trong lúc DN đang chịu nhiều áp lực về chi phí, người dân nặng gánh chi tiêu, nhà nước nên xem xét miễn tất cả các loại thuế, phí đánh trên mặt hàng xăng dầu để kéo giá xăng xuống thấp nhằm kích thích cầu tiêu dùng, tạo động lực cho kinh tế phát triển.
Người tiêu dùng mong chờ cơ quan quản lý có những giải pháp quyết liệt kiềm chế và giảm giá hàng hóa trên thị trường. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bà PHAN THỊ VIỆT THU, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM:
Chặn “té nước theo mưa”
Giá xăng dầu tăng kéo theo rất nhiều hàng hóa trên thị trường tăng giá và thiết lập mặt bằng giá mới. Thế nhưng, khi giá xăng giảm thì giá hàng hóa không chịu giảm. Người tiêu dùng tuy bức xúc nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng.
Bà PHAN THỊ VIỆT THU
Luật Giá đã có nhưng trên thực tế, hầu hết giá cả được thả nổi cho thị trường quyết định. Hầu như các trường hợp tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa” không bị xử lý. Chỉ hiếm hoi trong tình huống bất thường như giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, cơ quan quản lý đã xử lý một số trường hợp tăng giá khẩu trang bất hợp lý. Đặc biệt, nhiều trường hợp người tiêu dùng bị lừa mua phải hàng giá cao đã không được giải quyết khiếu nại vì không có cơ sở.
Giữa bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay, trên thị trường có rất nhiều người kinh doanh sử dụng chiêu nâng giá rồi khuyến mại sâu khiến giá bán cuối cùng đến tay khách hàng lại cao hơn mặt bằng chung. Các chương trình khuyến mại hiện nay dường như thiếu sự kiểm soát. Chúng tôi không thấy có nhiều thông tin về xử phạt trường hợp khuyến mại dỏm nên các “gian thương” thoải mái tung hoành. Chúng tôi khuyến nghị người tiêu dùng không vội vàng mua hàng khuyến mại với tâm lý sợ lỡ cơ hội mà nên bình tĩnh khảo sát, so sánh giá để tránh bị lừa.
Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:
TP HCM triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN
Việc tăng, giảm giá bán hàng hóa trên thị trường dựa trên quy luật cung – cầu và phụ thuộc nhiều vào yếu tố chi phí đầu vào, nhất là giá nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Thị trường toàn cầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường. Hiện tại, giá nguyên vật liệu trên thế giới lẫn trong nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để hỗ trợ DN kìm giữ giá, ngành công thương TP HCM sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ DN.
Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG
Cụ thể, trong ngắn hạn, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu tiết giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa; giảm áp lực tăng giá thông qua xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu với các tỉnh – thành, hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm; tiết giảm chi phí marketing và thời gian, chi phí tìm kiếm nguồn hàng; vận động, hỗ trợ các hệ thống phân phối áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác, ưu tiên đối với hàng hóa thiết yếu. Song song đó, phối hợp với các các quận, huyện và TP Thủ Đức hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối ngân hàng – DN, giải quyết ngay từng trường hợp cụ thể khó khăn về vốn cho DN; làm việc với các hội ngành nghề, DN để chủ động nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho DN; tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi về chính sách, giải pháp hỗ trợ tín dụng cho DN…
Trong dài hạn, ngành công thương thành phố sẽ xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu; đẩy mạnh hợp tác thương mại, tổ chức hiệu quả chương trình kết nối cung – cầu giữa TP HCM và các tỉnh, thành; tái khởi động kế hoạch bán hàng lưu động nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng, chặn nguy cơ khan hàng, sốt giá cục bộ; đẩy mạnh phân phối hàng bình ổn thị trường đến người lao động tại các quận vùng ven, huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu công nghệ cao…
Tiếp tục xem xét giảm thuế xăng dầu
Ngày 25-7, Văn phòng Chính phủ có Công văn 4648/VPCP-KTTH gửi Bộ Tài chính về việc nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí. Cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Văn bản 240/LĐCP ngày 18-7, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, tiêu dùng để giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ cho trước mắt và trung hạn. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-7.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu để giảm giá mặt hàng. Bên cạnh đó, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường; bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá; xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường.
M.Chiến
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)