Chiều 30-3, Cục Hàng không họp khẩn với lãnh đạo chủ chốt của Bamboo Airways, đánh giá rủi ro, đảm bảo hoạt động bay an toàn tuyệt đối.
Tổ chức tài chính cam kết hỗ trợ, dòng tiền vẫn được đảm bảo
Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết sau khi Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, trong khi chờ kết luận của cơ quan điều tra, lãnh đạo Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam đều rất quan tâm đến hoạt động của Bamboo Airways.
Bamboo Airways đang khai thác đội bay gồm 29 tàu bay (gồm 3 tàu B787, 21 tàu Airbus dòng A320 và 5 tàu Embraer)
“Đảm bảo an ninh, an toàn hàng không và quyền lợi hành khách của Bamboo Airways là hai vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm. Cùng đó, là việc làm thế nào để đồng hành, gỡ khó cho Bamboo Airways để hãng có thể vượt qua thời điểm khó khăn này và phát triển bền vững” – ông Thắng nói.
Người đứng đầu Cục Hàng không cũng khẳng định: “Bamboo Airways có quá trình khởi nghiệp tốt, có chỉ số tương đối ấn tượng về chất lượng dịch vụ, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ cũng như chỉ số an toàn tốt”.
Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết từ 18 giờ tối 29-3, lãnh đạo Bamboo Airways đã đánh giá rủi ro và ảnh hưởng hoạt động của hãng sau khi có sự thay đổi đột ngột vị trí lãnh đạo cao nhất.
Phó tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết: Ngay sau khi có thông tin liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, đang công tác tại Anh đã lập tức quay về và có mặt ở Việt Nam trong ngày 30-3.
Cũng theo ông Trọng, hiện ông Trịnh Văn Quyết đã uỷ quyền toàn bộ quyền cổ đông tương ứng số cổ phần Bamboo Airways mà ông Quyết sở hữu cho bà Vũ Đặng Hải Yến.
Toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đặc biệt bộ máy theo phê chuẩn Chứng chỉ nhà khai thác tàu bay (AOC), Tổ chức bảo dưỡng (AMO) và Trung tâm đào tạo (ATO) giữ nguyên. Ông Trọng cũng khẳng định không có thay đổi nhân sự chất lượng cao (phi công, tiếp viên hàng không, kỹ sư…).
Hệ thống bán hàng của Bamboo Airway vẫn được triển khai đồng bộ, hiệu quả qua hệ thống đại lý, hệ thống bán trên mạng với phần mềm quản trị hiện đại.
Các định chế tài chính (các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã ký kết hợp đồng với Bamboo Airways đều cam kết duy trì và tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký. Bằng hệ sinh thái FLC cùng mối quan hệ và hợp tác với hệ thống các ngân hàng có uy tín, các định chế tài chính khẳng định dòng tiền hoạt động được đảm bảo. Với khách hàng, Bamboo Airways đã cam kết và tiếp tục cam kết thực hiện mọi nghĩa vụ.
Thông tin thêm, ông Trọng cho biết: “Bamboo Airways đã triển khai ngay các biện pháp nhằm tăng cường an toàn đảm bảo hoạt động khai thác bay, giảm tối đa các rủi ro; Quán triệt và củng cố mục tiêu trên toàn bộ máy hoạt động từ lãnh đạo cấp cao đến nhân viên, duy trì hoạt động ổn định, bền vững; Làm việc với tất cả các đối tác (ngân hàng, bên cho thuê, cung cấp dịch vụ…) nhằm đảm bảo cam kết duy trì các hợp đồng, cam kết theo hợp đồng). 100% cán bộ, công nhân viên, người lao động cam kết đoàn kết, đồng hành cùng hãng để duy trì hoạt động bình thường, đặc biệt là đảm bảo an toàn bay và chất lượng dịch vụ và phát triển bền vững”.
Giám sát chặt hoạt động của Bamboo Airways
Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, đến ngày 1-1-2020, vốn chủ sở hữu của Bamboo Airways là 4.300 tỷ đồng; Đến 31-12-2020 là 7.556 tỉ đồng.
Đến hết 31-12-2021, con số này đã tăng lên thành 16.760 tỉ đồng.
Chia sẻ thông tin về hoạt động vận tải của Bamboo Airways, Phó trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không VN) Vũ Hồng Quang cho hay về vận tải, giấy phép kinh doanh vận tải hàng không của Bamboo Airways được cấp sửa đổi lần gần nhất vào ngày 3-2-2021.
Người đại diện pháp luật là ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc. Trong Điều lệ vận chuyển của Bamboo Airways cũng nêu rõ quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch HĐQT gồm: Lập chương trình và kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị; Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương trình nội dung tài liệu phục vụ cuộc họp, triệu tập và chủ trì cuộc họp HĐQT; Tổ chức việc thông qua các quyết định của HĐQT; Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết định của HĐQT; Chủ toạ họp đại hội đồng cổ đông; Các quyền, nhiệm vụ khác theo quy định của Luật DN, các Nghị quyết HĐQT.
“Theo Điều lệ vận chuyển, cá nhân Chủ tịch của Bamboo Airways, cụ thể là ông Trịnh Văn Quyết sẽ không có quyền quyết định chiến lược phát triển công ty, kế hoạch phát triển kinh doanh, cũng như kế hoạch phát triển đội tàu bay. Người đại diện pháp luật là ông Đặng Tất Thắng sẽ phụ trách toàn bộ” – ông Quang nói.
Về vốn góp, ông Quang cho biết Tập đoàn FLC góp 51% (3.586 tỷ đồng), ông Trịnh Văn Quyết góp 40% (2.800 tỉ đồng), cổ đông khác 8,7% (610 tỉ đồng). Được biết, ông Quyết hiện nắm khoảng 30% cổ phần của FLC. Nếu tính cả phần vốn này góp, ông Quyết đang góp khoảng 3.800 tỉ đồng vào Bamboo Airways (tương đương 51,2%). Phần còn lại khoảng hơn 48% của 7.000 tỉ đồng (theo Giấy phép kinh doanh), tương đương hơn 3.000 tỉ đồng.
“Theo quy định tại Nghị định 89, vốn tối thiểu để duy trì hoạt động của đội tàu bay từ 30 tàu trở lên là 700 tỉ đồng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngay cả khi không tính khoản vốn góp của ông Trịnh Văn Quyết, khoản tiền còn lại vẫn đủ đáp ứng yêu cầu yêu cầu theo quy định” – ông Quang nói.
Về đội máy bay, đến nay Bamboo Airways đang khai thác 29 máy bay. Trong đó, gần nhất, ngày 5-12-2022, có một máy bay A319 sẽ kết thúc hợp đồng thuê. Các máy bay khác đều kết thúc hợp đồng vào các năm 2024, 2025 và các năm sau nữa.
“Đến nay, Cục Hàng không VN chưa nhận được văn bản nào của Tổ chức cho thuê tàu bay cũng như tổ chức uỷ quyền yêu cầu tạm dừng khai thác tàu bay của Bamboo Airways” – ông Quang thông tin.
Khẳng định Cục Hàng không VN sẽ có báo cáo tổng thể hoạt động của Bamboo Airways lên Bộ GTVT, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Hồ Minh Tấn cho biết sáng 30-3, Cục Hàng không VN đã họp khẩn về hoạt động của hãng này sau khi có thông tin tạm giam với Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết.
“Trước mắt, Nhà chức trách hàng không sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của Bamboo Airways trong 3-6 tháng tới. Trong đó, đặc biệt lưu ý vấn đề bảo dưỡng, khai thác tàu bay, huấn luyện đào tạo, duy trì năng định cho đội ngũ phi công, tiếp viên, nguồn nhân lực” – ông Tấn khẳng định.
Trong thông cáo báo chí phát đi tối 29-3, Tập đoàn FLC cho biết, vụ việc có liên quan đến cá nhân ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán trong thời gian gần đây và vẫn đang trong quá trình điều tra ban đầu, chưa có kết luận chính thức.
Tập đoàn FLC không phải là chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này. Vụ việc không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn.
Cũng theo FLC, để hạn chế rủi ro có thể phát sinh và đảm bảo hoạt động thường xuyên của Tập đoàn, ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.
Theo đó, bà Vũ Đặng Hải Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC – Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty.
Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)