Không chỉ các cô mà mấy ông cũng hay dùng chuyện giường chiếu làm phương cách hòa giải. Trong nhiều trường hợp, “bộ tản nhiệt” này hoạt động rất tốt, còn thêm muối thêm đường cho đời sống tình dục, thậm chí nhờ chúng mà… nảy lửa hơn xưa. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng có hai mặt.
Trước tiên là yếu tố sức khỏe. Cãi vã, nóng giận… làm tăng nhịp tim, huyết áp, lưu lượng máu lên não trong khi “chuyện ấy” cũng đẩy những yếu tố vừa nêu nhảy vọt. Sự cộng hưởng này không tốt mấy cho sức khỏe, chỉ tăng thêm nguy cơ “thượng mã phong”. Sách phòng trung xưa cũng khuyến cáo, bất kể chàng hay nàng đều không nên ăn nằm trong cơn máu bốc lên đầu, dễ gây tổn khí loạn thần.
Tôi hay làm lành với chồng bằng chăn gối (Ảnh mang tính minh họa – SHUTTERSTOCK)
Tinh thần cũng có tổn hại riêng với kiểu giảng hòa bằng tình dục. Nếu chồng dễ tính, rộng bụng thì không nói; bằng ngược lại, khó tránh “chiến tranh” khi ông chồng cho rằng mình bị vợ dụ khị.
Chưa kể đàn ông chấp nhận “bình thường hóa quan hệ” vì muốn êm cửa êm nhà chứ không chắc chịu thua lý kém lẽ với vợ trong cãi vã. Khổ nỗi, các bà, thường vì thế cho rằng mình thắng rồi… lên mặt. Những ca này không khó nhận ra: đêm qua còn cụp lạc gác lại quá khứ hướng tới tương lai, sáng hôm sau lại chẳng thèm liếc nhau. Lâu dần, các ông đâm ra ngán ngẩm, thậm chí ác cảm với chiếu chăn. Đây mới là cái hại căn cơ của việc giảng hòa bằng tình dục.
Nói thêm, dù hơi cả lo, người ta nhận thấy những đứa trẻ ra đời từ một cuộc cãi vã của cha mẹ thường gặp vấn đề về sức khỏe và tâm lý về sau. Có thể bạn nghĩ sự thể đang bị trầm trọng hóa nhưng chớ coi thường. Vẫn còn nhiều “bộ tản nhiệt” cho bất đồng vợ chồng mà không cần cầu lụy tình dục.
Chén trong chạn còn khua nhưng khua cỡ nào cũng không nên cầu sóng yên gió lặng bằng “chuyện ấy”. Sớm muộn tâm địa sẽ lòi ra. Khổ nỗi, phụ nữ rất hay mắc bệnh được nước làm tới, chứ ít khi chịu dừng lại với vài ba phiên làm hòa bằng khoái lạc.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)