Sau một thời gian tăng giá, thị trường bất động sản phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang và vùng Tây Nguyên đều rơi vào trầm lắng. Không ít người đánh quả liều “lướt sóng” kiếm lời, nhưng hiện giờ không khác gì ôm bom nổ chậm, dù tìm mọi cách vẫn khó thoát hàng.
Thời điểm sốt nóng, những mảnh đất có view sông, hồ như thế này ở Tây Nguyên được cò đất săn lùng mua.
Từ đổi đời nhờ đất đến ôm nợ vì đất
“Đánh đu” theo thị trường bất động sản là anh Nguyễn Văn Nhất, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Anh Nhất kể, sau một thời gian ở thuê và tích cóp, năm 2016 vợ chồng anh mua được mảnh đất diện tích 200m2 ở thôn Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội giá 8 triệu đồng/m2. Trong thời gian đang gom tiền để xây nhà, cuối năm 2019, anh Nhất được một nhà đầu tư đến hỏi mua 1/2 mảnh đất với giá 14 triệu đồng/m2. Với mức giá này, cứ 1 m2, anh Nhất lãi 6 triệu đồng. “Vì mảnh đất rộng, bán đi có lãi gần một nửa, lại đang cần tiền xây nhà, vậy là gia đình tôi làm thủ tục tách thửa bán để lấy tiền xây nhà”, anh Nhất nói.
Trên đà thắng lợi, cuối năm 2020, anh Nhất tìm mua được mảnh đất rộng 180m ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ với giá 7 triệu đồng/m2. Sau hơn 3 tháng hoàn thiện sang tên, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thủ tục, giữa năm 2021, mảnh đất của anh Nhất đã được một nhà đầu tư mua lại với giá 12 triệu đồng/m2.
Vậy là từ người chưa có nhà ở, phương tiện đi lại, sau khi mua đi bán lại 2 lô đất, giờ anh Nhất đã xây được nhà ở khang trang, mua được chiếc ô tô trị giá hơn 560 triệu đồng. Anh Nhất vì thế tiếp tục đổ tiền vào đất.
Nhưng những mảnh đất được “găm” từ trước giờ vẫn còn đó, chưa bán được. Nhưng đáng ngại hơn cả là nó không còn đắt như trước nữa, thậm chí giá còn thấp hơn rất nhiều so với thời điểm anh chị quyết mua giữa cơn sốt xình xịch. Không bán được đất, không những chưa làm giàu được mà anh Nhất còn phải lo khoản nợ đang phình to hàng ngày. Anh Nhất đã phải bán xe và tạm thế chấp nhà đang ở để trả trước những khoản vay “nóng”.
Thực tế cho thấy, sau thời gian giá đất tăng nóng 30 – 50% ở các địa phương, thị trường bất động sản bắt đầu chững lại và giới đầu tư đã trót ôm vào rất chật vật thoát hàng. Nhiều người thậm chí đã kéo giá xuống với hy vọng giữ hòa vốn nhưng cũng không thể đẩy hàng đi, đành chấp nhận vừa chờ thị trường ấm lên, vừa lo kiếm tiền trả nợ.
Vào đầu năm 2021, tại Hà Nội, giá đất những nơi có quy hoạch nâng cấp lên quận, khu vực tuyến đường Vành đai 4 dự kiến đi qua đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50tr/m2; bình quân tăng khoảng 20 – 30%. Thậm chí có nơi tăng 50%.
Tuy nhiên, hiện nay, giá nhà đất nhiều khu vực vùng ven Hà Nội như Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất; Ba Vì… có dấu hiệu chững lại, nhiều khu vực rơi vào trầm lắng sau cơn “sốt” nóng; những khu đất trước đó tấp nập người về xem đất thì nay không một bóng người.
Đầu năm 2022, giá bất động sản ở Tây Nguyên bỗng tăng nhiệt, giao dịch mua, bán diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giao dịch bất động sản trên thị trường có dấu hiệu chững lại.
Tại TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), cácvăn phòng công chứng hiện rất vắng khách, số lượng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản từ đầu tháng 5/2022 đến nay đột ngột giảm mạnh.
Trên các hội, nhóm, diễn đàn mua bán nhà đất nghỉ dưỡng, đất view đẹp ở các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông…, thông tin rao bán đất xuất hiện dày đặc nhưng giao dịch thành công rất ít.
Giao dịch bất động sản nhiều nơi trầm lắng, thông tin rao bán đất tràn lan vẫn ít người mua.
Nhà đầu tư muốn thoát hàng phải hạ giá
Điều đáng nói là, mặc dù giao dịch rơi vào trầm lắng nhưng giá bất động sản vẫn đứng im, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do người bán đang “om hàng” nằm theo dõi tình hình.
Còn các môi giới ở khu vực Tây Nguyên, trước đây, giá đất ở nhiều nơi tăng là do có thông tin quy hoạch như lập dự án mới, quy hoạch mở rộng đường…, khiến giá đất tăng chóng mặt. Nhiều người đi săn lùng mua đất để bán lại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường giao dịch khá trầm lắng.
Những người lỡ ôm hàng chưa kịp thoát giờ phải rao bán khắp nơi để tìm khách, thấm chí chấp nhận bị ép giá. Nếu so sánh với 2-3 tháng trước thì người tìm mua đất tại khu vực này giảm đến 70-80%.
Bên cạnh việc chính quyền nhiều địa phương siết chặt phân lô, tách thửa nên hoạt động mua bán đất ở nhiều khu vực đóng băng, việc xoay đồng vốn từ các kênh vay như ngân hàng đang ngày càng khó khăn cũng khiến nhiều nhà đầu tư bể kèo mua đất, chết ngộp tài chính buộc phải bán ra. Ai cần tiền gấp, muốn bán nhanh phải chấp nhận hạ giá.
Đánh giá về thị trường bất động sản thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết, sau khi có quy định về nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường đã có những dấu hiệu phục hồi đáng kể, lượng giao dịch, giá bất động sản có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, sự phát triển của thị trường chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro.
Lý giải về hiện tượng giá đất nền, biệt thự, nhà liền kề ở vùng ven nóng lên gần đây, chuyên gia bất động sản cho rằng một phần nguyên nhân đến từ việc người dân đang có nhu cầu đầu tư, lướt sóng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngân hàng xuống thấp. Một bộ phận người dân đang có tiền nhàn rỗi, không biết đầu tư vào đâu nên chọn đầu tư vào bất động sản vì mức sinh lời hấp dẫn, lại tránh được lạm phát do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Còn theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt “sốt đất ảo” diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để “tạo sóng,” gây “sốt đất ảo”, làm rối loạn thị trường. Ông Tùng cho rằng để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân.
Với những diễn biến mới của thị trường, vừa qua Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về kiểm soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản. Trong đó, đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông,…gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)