Theo Daily Mail, phần hài cốt quý giá được khai quật cùng một loạt hiện vật đáng chú ý khác tại “mỏ hóa thạch” Tanis ở Bắc Dakota (Mỹ), thuộc khu vực được gọi là “Hệ tầng Hell Creek”.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Robert DePalma từ Đại học Manchester (Anh) cho biết hóa thạch đã cung cấp bằng chứng vật lý đầu tiên cho thấy khủng long đã bị giết chết bởi tiểu hành tinh nổi tiếng như thế nào.
Tiến sĩ Robert DePalma tại phòng thí nghiệm – Ảnh: BBC
Chicxulub, với biệt danh “tiểu hành tinh giết khủng long” đã đâm vào Trái Đất 66 triệu năm trước, gây ra chuỗi thảm họa toàn cầu kéo dài nhiều năm liền, khiến khủng long và nhiều động thực vật khác bị tuyệt chủng. Đó cũng là mốc đánh dấu cho sự kết thúc của kỷ Phấn Trắng – kỷ nguyên hoàng kim của những quái vật khổng lồ.
Lớp da khảm thủy tinh thiên thạch nhiều màu của quái vật xấu số – Ảnh: BBC
Con quái vật xấu số được xác định là một con Thescelosaurus, một loài khủng long ăn cỏ nhỏ. Chiếc chân đã bị xé một cách tàn khốc khỏi cơ thể và bị những vật liệu pha trộn từ vụ va chạm bọc lấy, khiến nó hoàn toàn nguyên vẹn đến cả lớp da.
“Đây là điều đáng kinh ngạc nhất mà chúng tôi có thể tưởng tượng, điều mà chúng tôi luôn muốn tìm kiếm ở đây và chúng tôi đã có được nó” – tiến sĩ DePalma nói với đài BBC.
Đó là một chiếc chân nguyên vẹn da, móng… – Ảnh: BBC
Bởi lẽ, hóa thạch của một quái vật vật chết trực tiếp vì Chicxulub sẽ mở ra cánh cửa sổ quý giá để nhìn vào “ngày tận thế” đầy ám ảnh đó.
Không phải toàn bộ khủng long đều chết vào ngày hôm đó mà đa số chết dần mòn vì chuỗi thảm họa kéo theo, do đó một hóa thạch “đúng thời điểm” như vậy lại rất hiếm hoi, chưa kể nó là một trong những hóa thạch “thượng hạng” vì bảo tồn được cả vật liệu hữu cơ.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)