Theo Sci-News, một nhóm khoa học gia từ New Zeland, Anh, Mỹ đã phân tích mẫu vật thuộc về 6 cá thể khổng lồ mang hình dáng chim cánh cụt được khai quật từ Hệ tầng Moeraki ở Đảo Nam – New Zealand.
Tuy nhìn giống chim cánh cụt nhưng chúng không phải những con vật nhỏ bé đáng yêu mà chúng ta thấy ngày nay, mà sở hữu kích thước “quái vật”. Con lớn nhất ước tính nặng tới 148-160 kg khi còn sống, tức gấp đôi một người trưởng thành.
Quái vật chim cánh cụt thời cổ đại to lớn vượt trội so với các loài chim cánh cụt khác – Ảnh đồ họa từ Simone Giovanardi.
Mẫu vật nặng nhất đó được đặt tên loài Kumimanu fordycei, một loài hoàn toàn mới trong dòng họ chim cánh cụt và có thể là loài lớn nhất trong cây gia phả của sinh vật này từ thời cổ đại.
Năm mẫu vật còn lại nhỏ hơn một chút, đều cùng thuộc một loài, được đặt tên là Petradyptes stonehousei.
Cả hai đều là sinh vật thuộc thế Paleocene của kỷ Cổ Cận (Paleogen), là kỷ nằm giữa “thời hoàng kim của khủng long” – kỷ Phấn Trắng – và kỷ Đệ Tứ mà chúng ta đang sống. Như vậy, niên đại của hai loài quái vật chim cánh cụt này khoảng 55 đến 60 triệu năm về trước.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Daniel Ksepka từ Bảo tàng Bruce (Mỹ) cho biết các mẫu vật mới cung cấp thêm bằng chứng cho thấy chim cánh cụt từng rất lớn trong lịch sử tiến hóa của chúng.
Điều này có thể để phù hợp với thế giới cổ xưa mà chúng tồn tại, một thế giới còn đầy các quái vật cỡ lớn: Kích thước cơ thể lớn hơn cho phép bắt các con mồi lớn hơn, giữ ấm cơ thể tốt hơn trong vùng nước lạnh.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng có thể kích thước quái vật này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giống loài này lan rộng từ New Zealand đến các nơi khác trên thế giới.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Panleontology.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)