Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có công văn yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thống nhất với UBND các tỉnh, thành Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM và các bộ liên quan về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), bảo đảm phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Nhất trí cao
Theo đề xuất, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành, chiều dài toàn tuyến khoảng 38 km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng. Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84 km, có điểm đầu từ ga Trảng Bom, điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 50.000 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu khi đưa vào khai thác sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Ảnh: NGỌC GIANG
Liên quan đến chỉ đạo trên của Chính phủ, theo Bộ GTVT, trước đó, bộ đã có Công văn số 1388/BGTVT-KHĐT gửi UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19-10-2021, trong đó tuyến đường sắt Thủ Thiêm – sân bay Long Thành có chiều dài khoảng 38 km, qua địa phận tỉnh Đồng Nai và TP HCM, với lộ trình đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Tuyến đường sắt này đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025 tại Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 1-11-2021. “Hiện nay, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành được Bộ GTVT xác định là một trong những dự án động lực của kỳ trung hạn tiếp theo nhằm tăng cường các phương thức vận tải kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ năm 2022 để triển khai nghiên cứu” – Bộ GTVT thông tin.
Ga Trảng Bom (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) dự kiến là điểm đầu của tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu .Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Đối với dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, Bộ GTVT nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ đề xuất của tỉnh Đồng Nai. “Để tăng khả năng kết nối đồng bộ với sân bay Long Thành, cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực, việc nghiên cứu đầu tư 2 tuyến đường sắt này là cần thiết. Tuy nhiên, vì các tuyến đường sắt trên đi qua địa phận nhiều tỉnh, thành nên theo quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất với các địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định” – Bộ GTVT nêu quan điểm.
Theo Bộ GTVT, trường hợp các địa phương thỏa thuận thống nhất giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền, bộ sẽ ủng hộ đề xuất giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền chủ trì thực hiện đầu tư 2 tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành và Biên Hòa – Vũng Tàu, phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Cần sớm đẩy nhanh
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh này đang triển khai nhiều dự án giao thông đường bộ như cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, đường Vành đai 3 – TP HCM, mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Khi các dự án này đưa vào khai thác sẽ cơ bản đáp ứng việc kết nối hệ thống giao thông đường bộ với sân bay Long Thành. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế và tăng khả năng kết nối của sân bay Long Thành với TP HCM và hệ thống cảng biển quốc tế Cái Mép – Thị Vải, đồng thời chia sẻ áp lực lưu lượng cho hệ thống giao thông đường bộ thì việc sớm triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu là vô cùng cần thiết để phát huy tối đa lợi thế của sân bay Long Thành.
UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng việc giao tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án sẽ giúp địa phương chủ động trong quá trình kêu gọi đầu tư vì cả 2 dự án nói trên được đề xuất triển khai đầu tư theo hình thức PPP. “Sau khi được sự chấp thuận của Thủ tướng giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện 2 dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, địa phương sẽ khẩn trương tiến hành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện dự án, sớm đưa vào khai thác đồng bộ với tiến độ của sân bay quốc tế Long Thành vào năm 2025” – lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cam kết.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cũng nhấn mạnh tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết một phần hiện trạng giao thông đang quá tải của Quốc lộ 51 hiện nay. Đặc biệt, dự án hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian đưa hàng về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. “Theo quy hoạch được duyệt, tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn kết nối đến cảng Cái Mép – Thị Vải thuộc dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư trong giai đoạn
2021-2023. Vì vậy, việc sớm đầu tư dự án này là điều cấp thiết” – ông Thọ kiến nghị.
Đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định 2 dự án đường sắt nói trên đem lại nhiều lợi ích khi đưa vào sử dụng. Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành không chỉ phục vụ hành khách đi lại giữa Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và ga Thủ Thiêm mà còn phục vụ dân cư khu đô thị Thủ Thiêm đi sân bay hoặc về ga Thủ Thiêm để chuyển tuyến đi vào trung tâm thành phố cũng như đi tiếp các tuyến khác.
Đối với tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, đây là tuyến đường sắt có ưu thế vận tải hàng hóa khối lượng lớn, tốc độ nhanh, giá cước rẻ hơn vận tải đường bộ với cự ly vận chuyển trên 50 km, do đó sẽ phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải.
Giữ lời hứa tiến độ
Tại lễ khởi công gói thầu số 5.6 thi công cọc công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 (sân bay Long Thành) mới đây, lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – chủ đầu tư dự án) cho biết theo kế hoạch, gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10-2022. Trong đó, việc thi công đại trà cọc khoan nhồi sẽ được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10-2022.
“Việc khởi công thi công gói thầu cọc công trình nhà ga hành khách trong tháng 3-2022 là lời tái khẳng định cam kết giữ lời hứa của ACV với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc bảo đảm tiến độ của dự án sân bay Long Thành. Theo đó, dự án thành phần 3 sẽ về đích đúng tiến độ và dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đưa vào khai thác vào dịp 2-9-2025” – lãnh đạo ACV nhấn mạnh.
Theo ACV, công trình nhà ga hành khách có tính chất kỹ thuật phức tạp, áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, hướng tới cạnh tranh với các trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Trong đó, hạng mục thi công cọc, nền móng của công trình nhà ga hành khách là hạng mục quan trọng, có ý nghĩa quyết định tiến độ của toàn bộ dự án. Đối với gói thầu thi công cọc công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành, liên danh các nhà thầu sẽ thi công cọc khoan nhồi đường kính 800 mm, 1.000 mm và 1.200 mm với tổng số lượng 1.560 cọc.
Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam với quy mô đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)