Những ngày sau khi mẹ tôi ly hôn, tôi lẽo đẽo theo mẹ về quê ngoại. Trên xe chất đầy hành lý. Những chiếc hòm chứa thứ gắn bó với mẹ bao nhiêu năm: quần áo, sổ sách, thư từ… từ khi mẹ còn là cô thiếu nữ đang yêu. Những bức thư tình bố gửi cho mẹ được gấp gọn gàng, hẳn là hai người từng có thời gian thật hạnh phúc bên nhau. Thế rồi họ cũng chia ly sau cuộc sống hôn nhân vỏn vẹn 4 năm trời. Bốn năm, đủ để họ nhận ra tình yêu đã đến hồi kết thúc khi cả hai không tìm được tiếng nói chung. Chiếc va-li chất đầy hành lý với hơn một nửa là kỷ vật tình yêu của họ. Nơi nào cũng giăng mắc bầu trời kỷ niệm. Nhưng giờ đây, những kỷ vật ấy chỉ nằm gọn trong va-li, đi về quê ngoại. Đồ đạc nặng nề và lỉnh kỉnh như nỗi lòng mẹ nhói đau, chịu thiệt thòi trong cuộc ly hôn này.
Đường về nhà ngoại buổi tối trăng lên, tôi hỏi mẹ “Trăng đi đâu đấy?”, mẹ chỉ nói một câu rồi chìm vào im lặng “Trăng đi theo mẹ Na!”.
Mùa hè đến mang theo cái nắng cháy bỏng của tuổi thơ tôi. Quê nội, ngoại ở hai bên đầu con sông nên cứ đến mùa hè tôi lại gói ghém đồ đạc, hành lý về quê nội. Mẹ tôi chuẩn bị cho tôi chiếc ba-lô màu xanh với mấy bộ quần áo mùa hè, con búp bê bằng nhựa yêu quý và những quyển sách nhỏ. Phải chia tay mẹ, tôi buồn lắm! Những ngày đầu về quê nội, tôi nhớ mẹ khủng khiếp. Nhìn chiếc ba-lô vẫn còn hơi ấm mẹ xếp ngăn nắp những bộ quần áo, tôi lại muốn khóc. Tôi nhớ xóm, nhớ làng, nhớ cả bụi cúc tần mọc hoang dại bên cổng. Những buổi chiều khi trăng lưỡi liềm mọc lên phía đằng Đông, tôi lại tự hỏi lòng rằng mẹ có nhìn lên trăng không, trên trái đất chỉ có duy nhất một vầng trăng thôi mà!
Thế rồi, mùa hè cuốn tôi đi theo những cuộc chơi với các bạn trong xóm bên nhà nội. Tôi tắm mưa, chơi ú tim, nhảy dây, chơi chuyền… Tôi quên chiếc ba-lô vẫn nằm gọn bên giường chờ ngày tôi trở về bên mẹ. Ngày cô tôi đưa tôi về nhà qua bến đò. Tôi lại thấy chiếc ba-lô nặng trĩu vì nỗi nhớ quê nội. Tôi lại nhớ bà, nhớ bố, nhớ các em. Nhớ cả hàng tre xanh rì rào đón gió mát nơi bờ đê ven sông Đuống. Cứ hai chiều quên nhớ níu nặng tâm tư tôi hoang oải cả miền tuổi thơ đầy thổn thức. Có thể điều đó cũng làm hành lý cuộc đời tôi được chất đầy cả những kỷ niệm. Những câu chuyện về bên này sông và bên kia sông chỉ mình tôi mới hiểu. À không! Cả gói hành lý tôi mang theo nữa, chúng sẽ hiểu tâm tư sâu kín nhất của tôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Năm tôi mười tám tuổi, một ngày mùa thu vàng óng màu lúa chín. Ông ngoại tôi nhắm mắt xuôi tay, về trời. Vì tôi ở nhà ngoại với mẹ từ nhỏ nên ông ngoại đối với tôi thân thương lắm. Đưa tiễn ông đi đoạn đường cuối cùng, có cánh đồng lúa thơm ngát đi cùng ông. Hành lý cuối cùng ông mang theo chẳng có gì ngoài chiếc áo măng-tô ông yêu quý. Chiếc áo này được ông cẩn thận mang về từ chiến khu, vẫn còn nguyên vết xước do chúng tôi gây ra hồi còn nhỏ. Sau đám tang ông, tôi trở về nhà gói ghém hành lý lên Hà Nội nhập học. Chuyến tàu buổi tối nặng nề và chậm chạp, tiếng còi ồn ã từ xa vọng tới. Hành lý của tôi chẳng nhiều nhặn gì ngoài chiếc ba-lô quần áo và một chiếc hòm bằng tôn chất đầy sách vở. Tôi đã lớn khôn để chuẩn bị hành trang kiến thức vào đời. Ngồi trên chuyến tàu muộn ngày hôm ấy, tôi nhớ ông vô cùng. Tôi ngắm nghía những hành lý mang theo. Rốt cuộc để đi đến nơi nào đó, chúng ta chẳng thể đi với hai bàn tay trắng. Chỉ trừ đi đến cái chết như ông ngoại tôi. Không đúng! Ông ngoại tôi mang theo những tình cảm chân thành, những câu chuyện làm người còn để lại cho con cháu. Cả một đời lính như ông đã đi qua rất nhiều trận chiến, có máu và nước mắt. Vậy là ông mang theo cả lịch sử; ông có nhiều hơn những hành lý hiện hữu bằng vật chất kia. Những hành lý của ông nếu đong đếm được, nó còn nặng hơn ngàn lần chiếc ba-lô của tôi trên chuyến tàu ngày hôm ấy. Nghĩ đến đó, tôi lại quặn thắt niềm thương, lại an ủi chính mình: “Thôi nào cô bé, rồi ai cũng phải rời xa ta, hãy học cách đón nhận và mỉm cười”. Bên song sắt cửa sổ con tàu, ánh trăng thu vẫn soi sáng và nhìn tôi trìu mến, như cách ông ngoại tôi hay thủ thỉ kể chuyện cho tôi nghe. Hành lý ngày hôm ấy, có ông tôi đi cùng.
Qua từng mùa cây rụng lá rồi lại đâm chồi, tôi cũng đi qua những vết thương chằng chịt vết sẹo trong lòng. Ngày lấy chồng, mẹ tôi rưng rưng chuẩn bị hành lý cho tôi. Vẫn mấy bộ quần áo, chiếc lược, chiếc gương, cây kim, sợi chỉ. Cách mẹ sắp xếp vẫn ngăn nắp, gọn gàng như ngày nào. Cả đoàn rước dâu ra đến cổng, mẹ nhìn tôi xúc động dặn dò: “Con đi nhé!”, rồi mẹ trao lại chiếc va-li cho tôi. Giây phút đó tôi chỉ muốn òa khóc. Tôi chỉ muốn ôm mẹ vào lòng, giây phút ấy cứ đóng băng mãi mãi. Bỏ lại ánh nhìn khắc khoải của mẹ phía sau lưng, tôi lã chã những giọt nước mắt, nhớ mẹ như cái hồi tôi còn nhỏ xíu và ngắm vầng trăng lưỡi liềm mọc ở phía đằng Đông bên quê nội. Lòng lại an ủi vỗ về chính mình: “Thôi nào cô gái, trái đất này chỉ có duy nhất một vầng trăng!”.
Tôi đã đi qua bao mùa hạ, bao mùa trăng lên rồi khuất bóng. Biết bao lần xếp ba-lô hành lý cho cuộc đời. Mỗi lần cầm trên tay món hành lý, tôi lại bâng khuâng. Người ta sẽ đi về đâu trên cõi đời này? Ai mang hành lý về nơi hạnh phúc? Ai mang hành lý về nơi khổ đau? Dù thế nào chúng ta cũng phải bước tiếp thôi, phía trước còn có tương lai…
Tôi nhìn con trai đeo chiếc cặp sách đưa cánh tay nhỏ xinh vẫy vẫy rồi chạy vào lớp. Hành trang vào đời của con là chiếc cặp nhỏ chứa đầy kiến thức. Mẹ tôi tóc đã hoa râm, mỗi chiều hay đứng ngóng con gái về bên hiên. Hành lý trở về thăm mẹ của tôi đơn giản lắm, là gói thuốc bổ, manh áo ấm làm quà. Mẹ cười hiền từ kể chuyện những ngày xa. Phía Đông, vầng trăng lưỡi liềm đầu tháng lại mọc sớm. Tôi chợt nhớ một câu nói nổi tiếng khuyết danh: “Chúng ta đều đi theo những con đường khác nhau trong đời, nhưng dù chúng ta đi tới đâu, chúng ra cũng mang trong mình một phần của nhau”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)