Tư duy sáng tạo là chìa khóa then chốt để du học sinh tạo ra các bước tiến và đột phá mới tại môi trường giáo dục thế giới.
Sáng tạo, ý tưởng mới lạ
Tốt nghiệp THPT với điểm số khá ấn tượng, em N.N.L không nộp đơn xét tuyển đại học trong nước mà quyết định sang Mỹ du học. Khi mới nhập học, L. tỏ ra tự tin bởi đây là ngành em yêu thích; song ngay trong năm đầu tiên, em đã cảm thấy đuối sức vì không theo kịp chương trình.
L. tâm sự: “Em bị sốc vì cách học ở đây khác hẳn. Một phần do khác biệt ngôn ngữ, một phần do giảng viên cứ nói thao thao bất tuyệt, nhiều khi những kiến thức đó không có trong giáo trình. Muốn hiểu bài thì em phải đọc trước khi vô lớp nhưng dù cố gắng lắm mà em vẫn không biết giảng viên đang nói gì”.
Đại diện các trường đại học của Úc tư vấn cho sinh viên (Ảnh: NGUYỄN THUẬN)
Tương tự, D.T.T.N, một du học sinh ngành tài chính ngân hàng tại Úc, cho biết: “Ngày xưa, thầy cô chỉ cần đọc cho chép, học sinh chỉ cần học thuộc lòng là có thể làm được bài và được điểm cao. Giờ qua đây, em phải “tự bơi”. Có những ngày em gần như giam mình trong thư viện của trường. Giáo trình thì rất nhiều, giảng viên chỉ định hướng một số tài liệu chuyên ngành, còn lại yêu cầu sinh viên tìm thêm, đọc thêm”.
L. hay N. chỉ là 2 trong số rất nhiều du học sinh hoang mang khi bước vào môi trường quốc tế. Ngay cả tại Việt Nam, cách tiếp cận vấn đề ở cấp THPT rất khác biệt so với đại học. Học sinh thường chỉ thụ động nghe bài giảng của giáo viên mà không có sự sáng tạo hay tư duy đề tài một cách chuyên sâu. Chính điều này khiến phần lớn tân sinh viên bị sốc khi bước vào môi trường mới.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Vũ, giảng viên thỉnh giảng Khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông Trường ĐH Văn Lang, tư duy sáng tạo rất quan trọng đối với sinh viên. Thông thường, giảng viên không đánh giá cao việc sinh viên đến lớp trong tâm thế thụ động. Sinh viên phải biết nhanh nhạy nắm bắt kiến thức, tiếp cận vấn đề, trao đổi, thậm chí là phản biện với giảng viên và bạn bè.
Phương pháp này sẽ giúp các em định hình được tư duy, tìm ra được những ý tưởng mới. Đây chính là yếu tố quan trọng của tính sáng tạo trong học tập.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý sáng tạo là có nhiều ý tưởng mới lạ và phải có giá trị, được mọi người công nhận. Điều này không chỉ giúp sinh viên đạt điểm số cao mà còn nâng cao kỹ năng tự tìm tòi, nghiên cứu, đào sâu bài giảng của giảng viên để làm giàu kiến thức của bản thân.
Xây dựng thương hiệu cá nhân
Hiện nay, giới trẻ hoạt động đa dạng trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok… Các bạn sáng tạo rất nhiều nội dung hấp dẫn, song lại chưa biết cách định hình “giao diện” đặc trưng của bản thân để xây dựng một hình ảnh thống nhất. Điều này khó làm rõ điểm mạnh, điểm yếu và giá trị bản thân để thuyết phục các nhà tuyển dụng.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực marketing, TS Sara Quách, giảng viên cấp cao Trường ĐH Griffith (Úc), định hướng thanh niên áp dụng kiến thức marketing vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Việc xây dựng thương hiệu cần chú trọng điểm mạnh và điểm yếu, thuận lợi và khó khăn. Để khẳng định được giá trị bản thân, phải biết cách chuyển điểm yếu thành thế mạnh, biến khó khăn thành cơ hội.
Bên cạnh đó, các bạn cần xác định mục tiêu hướng đến, vạch ra chiến lược lâu dài bên cạnh các mục tiêu ngắn hạn để có những hành động phù hợp; bồi dưỡng thêm các kỹ năng cơ bản và kỹ năng mềm, trong đó kỹ năng sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng; luôn tạo ra nhiều kế hoạch phù hợp với từng thời điểm.
TS Sara Quách nhấn mạnh hoạt động trên mạng xã hội cũng là một yếu tố góp phần vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Điều quan trọng là phải biết cách kết nối những thông tin riêng lẻ trên mạng xã hội để tạo thành một hồ sơ cá nhân chỉn chu, tự “quảng cáo” bản thân đến với các doanh nghiệp và khách hàng tương lai.
“Một kỹ năng khác cũng quan trọng không kém, đó là đàm phán. Trong quá trình xây dựng thương hiệu phải biết cách đàm phán với sếp, với đối tác và khách hàng dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi” – TS Sara Quách bổ sung.
Cần tư vấn khi có vấn đề về tâm lý
Theo TS giáo dục Nguyễn Phương Chi, giảng viên Trường ĐH Arizona (Mỹ), khi mới sang Mỹ du học cô đã rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn do môi trường sống và học tập bị đảo lộn, dẫn đến tình trạng mất tự tin, thiếu tập trung và rối loạn tâm lý mức độ nhẹ.
TS Nguyễn Phương Chi nhấn mạnh: “Các bạn không nên ngại ngần mà phải kịp thời tìm đến trung tâm tư vấn ở trường để chia sẻ những gánh nặng của bản thân, từ đó được gỡ rối những khúc mắc để hòa nhập với môi trường mới”.
TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội, bổ sung: “Nhiều bạn học giỏi ở Việt Nam nhưng khi du học lại có thành tích giảm sút. Chính điều này khiến các bạn bị áp lực, dẫn đến căng thẳng tâm lý và đôi khi là trầm cảm. Do vậy, tôi khuyên các bạn phải biết cách quản lý thời gian, đặt mục tiêu hành động và sắp xếp công việc một cách hợp lý, từ dễ đến khó. Ngoài ra, các bạn cần phải chọn lọc những đối tượng tiếp xúc phù hợp cho mục đích học tập, làm việc hoặc nghiên cứu, từ đó xác định chiến lược quan trọng để khẳng định bản thân”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)