Ngày 4-4, Cục Quản lý đường bộ III đã mời đại diện Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) – đơn vị có nhiều kinh nghiệm và hiện đang quản lý vận hành hầu hết các hầm trên tuyến quốc lộ – tham gia làm việc cùng các nhà thầu khác để trao đổi về phương án vận hành hầm Mũi Trâu (hạng mục thuộc dự án La Sơn – Túy Loan).
Cục Quản lý đường bộ III cho rằng để đưa tuyến cao tốc La Sơn – Túy Loan vào vận hành, đặc biệt là vận hành hầm Mũi Trâu, cần có đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm tham gia bảo đảm an toàn vận hành công trình để kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ, tai nạn trong hầm cũng như vận hành các hệ thống thiết bị khác có liên quan như hệ thống scada, hệ thống thông gió, hệ thống giao thông thông minh ITS. HHV là đơn vị được đặt niềm tin sẽ giải quyết tốt vấn đề này.
HHV đã chuẩn bị nguồn lực, phương tiện, thiết bị sẵn sàng thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Mũi Trâu
Đại diện HHV cho biết đơn vị đã chuẩn bị nguồn lực, phương tiện, thiết bị chuyên dụng sẵn sàng thực hiện công tác quản lý vận hành hầm Mũi Trâu. Với việc khẳng định năng lực, kinh nghiệm của HHV trong việc quản lý vận hành hầm giao thông đường bộ và các tuyến cao tốc, đây là bước đầu tiên minh chứng cho việc HHV đã sẵn sàng nguồn lực để tham gia công tác quản lý vận hành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông mà Chính phủ đang chỉ đạo khẩn trương hoàn thành đưa vào khai thác trong giai đoạn tới.
Sáng 6-4, HHV đã cử lực lượng gồm bộ phận cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, bảo trì, vận hành các hệ thống điện, thông gió, ITS cùng các phương tiện cứu hộ, chữa cháy, xe nâng chuyên dụng… để tiếp cận hiện trường, khảo sát thực địa phối hợp cùng các đơn vị, nhà thầu có liên quan để sẵn sàn cho công tác vận hành hầm Mũi Trâu theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Minh Khánh, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tại hiện trường hầm Mũi Trâu, cho biết: “Sau khi nghe Cục Quản lý đường bộ III thông báo có đơn vị thuộc Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản lý vận hành, chúng tôi rất yên tâm và sẵn sàng phối hợp cùng với đơn vị để triển khai các công việc liên quan để sớm bàn giao công trình và đưa vào khai thác”.
Dự án cao tốc La Sơn – Túy Loan khởi công từ cuối tháng 12-2013 với tổng chiều dài 77,5 km, bắt đầu từ ngã ba La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế và kết thúc tại nút giao Túy Loan, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Đây cũng là điểm nối ở cực Bắc của tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Mới đây, ngày 22-3, trong chuyến thị sát, kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đã đánh giá tuyến chính dự án cơ bản hoàn thành, chỉ còn lại một số hạng mục ở đường gom, rào chắn… với khối lượng công việc tồn đọng không nhiều nên các đơn vị tập trung tối đa, hoàn thiện dứt điểm trong những ngày cuối tháng 3. Tất cả các vấn đề phát sinh, tồn đọng phải tập trung xử lý để đưa công trình thông xe, khai thác từ đầu tháng 4-2022.
Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, cao tốc này khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm tải Quốc lộ 1A, mở rộng kết nối giao thương cho các địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không thể chậm trễ nữa.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đường bộ III, tuyến cao tốc dài 77,5 km, trong đó có 2 ống hầm chạy song song với tổng chiều dài gần 3 km đường hầm. Đây là yếu tố về an toàn rất quan trọng, cần đặt ra đối với năng lực của đơn vị được giao quản lý vận hành. Do đó, cần phải có đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành hầm, đặc biệt là công tác cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và vận hành xử lý các sự cố từ trung tâm điều hành như các hầm đường bộ khác như: hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, hầm Cù Mông, hầm Phước Tượng, hầm Phú Gia
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)