Chiều 21-9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức buổi họp khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn TP HCM giai đoạn từ ngày 1-1-2018 đến 30-6-2022. Những vấn đề “nóng” đã được phản ánh như các DN nhỏ và vừa rất khó tiếp cận vốn tín dụng, nhiều hộ kinh doanh vẫn ngại chuyển đổi thành DN…
Hoạt động hộ kinh doanh thoải mái hơn
Bà Nguyễn Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết một trong những hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa là chuyển đổi hộ kinh doanh sang loại hình DN, khởi nghiệp sáng tạo, với nhiều hội nghị tuyên truyền, vận động, kết hợp với ngân hàng thương mại giới thiệu chương trình hỗ trợ nguồn vốn vay phát triển DN.
Phần lớn tiểu thương chợ truyền thống tại TP HCM chỉ đăng ký mô hình hộ kinh doanh .Ảnh: AN NA
Theo thống kê lũy kế từ năm 2018 đến cuối năm 2021, có gần 300 hộ kinh doanh ở quận 5 chuyển sang loại hình DN, chủ yếu là các hộ kinh doanh có sử dụng hóa đơn tháng, đóng thuế từ 30 triệu đồng/tháng, sử dụng thường xuyên trên 10 lao động… Dù vậy, công tác vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN còn gặp nhiều khó khăn.
“Phần lớn hộ kinh doanh nói chưa thật sự có nhu cầu chuyển đổi. Bởi khi hoạt động DN sẽ phát sinh nhiều thủ tục hành chính hơn so với hộ kinh doanh, như thực hiện chế độ BHYT, BHXH, kê khai sử dụng lao động, kê khai và lập sổ sách kế toán, tổ chức thêm nhân sự kế toán… làm chi phí hoạt động tăng thêm” – bà Minh Phượng nói.
Thực tế này cũng được lãnh đạo UBND các quận 6, 10, 11 và TP Thủ Đức phản ánh tại cuộc họp. Đại diện quận 10 cho biết trong 2 năm 2018 – 2019 đã vận động 913 hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo loại hình DN; quận 11 có 594 hộ kinh doanh lên DN trong 3 năm qua hay TP Thủ Đức đã vận động được 1.409 hộ…
Theo bà Vương Thanh Liễu, Phó Chủ tịch UBND quận 6, đã có khoảng 9.000 bản tài liệu tuyên truyền được gửi đến các hộ kinh doanh có doanh thu cao trên địa bàn, nêu rõ những hỗ trợ về quản lý, phát triển công nghệ, hỗ trợ về thuế, tài chính; nhiều hội nghị đối thoại, tổ công tác tuyên truyền trực tiếp cũng được thành lập… nhưng qua 3 năm, quận 6 mới có hơn 600 hộ kinh doanh “lên đời”.
“Dù Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã quy định tương đối toàn diện chính sách hỗ trợ nhưng thực tế vẫn chưa đủ hấp dẫn các hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN. Việc chuyển đổi gần như không thay đổi quy mô, hiệu quả kinh doanh nhưng lại bị ràng buộc bởi nhiều quy định về thuế, chế độ kế toán, công tác kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí, nếu lên DN có thể bị xử lý vi phạm hành chính cao gấp 2 lần so với hộ kinh doanh, khiến họ không có động lực chuyển đổi” – bà Liễu nêu thực trạng.
Ngoài ra, phần nhiều hộ kinh doanh chưa đủ thực lực về tay nghề, kỹ năng quản trị DN, hiểu biết về chính sách, pháp luật nên e ngại chuyển đổi thành DN…
Khó tiếp cận vốn
Trong khi hộ kinh doanh ngại lên DN thì hoạt động của nhiều DN nhỏ và vừa lại đang gặp nhiều khó khăn. Đại diện UBND các quận 5, 6, 10, 11 và TP Thủ Đức cho biết có tới 97%-98% DN trên địa bàn là nhỏ và siêu nhỏ nên rất khó tiếp cận vốn tín dụng do không có tài sản thế chấp, không đủ điều kiện vay vốn…
Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND quận 11, phân tích có tới 65% DN đang hoạt động trên địa bàn là DN siêu nhỏ, hạn chế về tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định nên gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Đa số họ có nhu cầu vay vốn theo hình thức tín chấp. Do đó, các chính sách hỗ trợ vốn theo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cần triển khai sao cho DN tiếp cận đơn giản, thuận lợi đối với nguồn vốn vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa – Hiệp hội DN TP HCM, cho biết dù Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được triển khai thời gian qua nhưng không có nhiều DN tiếp cận được các chính sách hỗ trợ. Việc cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm DN không thực hiện được do thiếu cơ chế và ngân hàng e ngại rủi ro mất vốn. Quỹ bảo lãnh tín dụng DN hoạt động rất khó khăn và thiếu cơ chế an toàn vốn nên không có nhiều khả năng được cấp bảo lãnh tín dụng.
“Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh, làm thu hẹp hoặc tắc nghẽn tạm thời dòng tiền của DN nên kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách phù hợp, có khả năng áp dụng phổ biến trong việc khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ và giảm lãi suất cho vay phù hợp. Cần thanh tra, kiểm tra và chế tài cần thiết trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ của nhà nước” – ông Tuệ đề xuất.
Phát biểu tại buổi khảo sát, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, cho hay quan điểm phát triển của nhiều nền kinh tế thành công đều nhờ lực lượng DN nhỏ và vừa, chứ không hẳn dựa vào những tập đoàn lớn.
Từ Đài Loan (Trung Quốc) đến Nhật Bản, Đức… đều xem đội ngũ DN nhỏ và vừa là lực lượng xương sống của nền kinh tế. Do đó, nhiều năm qua, Việt Nam xác định phát triển DN nhỏ và vừa không chỉ giải quyết câu chuyện việc làm, lao động mà còn là sự phát triển của nền kinh tế.
“Những chính sách hỗ trợ lực lượng này cần phải cụ thể và phải xem xét kịp thời, nêu rõ trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là trong dịch COVID-19 vừa qua. Đồng thời, các chính sách cũng cần định hướng ngành nghề trong tương lai phù hợp để DN có thể tham khảo, nghiên cứu theo xu hướng thị trường” – luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.
Cà Mau hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hơn 26 tỉ đồng
Ngày 21-9, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, trong năm 2023, Cà Mau dự kiến sẽ hỗ trợ cho 81 DN với nguồn kinh phí trên 6,6 tỉ đồng; giai đoạn 2023-2025 sẽ hỗ trợ cho 240 DN với kinh phí gần 20 tỉ đồng. Các chi phí hỗ trợ gồm: tư vấn đăng ký bảo hộ; khai thác, ứng dụng tài sản bảo hộ trí tuệ; tư vấn tìm kiếm, lựa chọn chuyển giao công nghệ; thử nghiệm hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; tham gia chuỗi giá trị; hoạt động nền tảng số…
Các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Cà Mau chiếm khoảng 98% tổng số DN. Hằng năm, các DN này đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của địa phương nhưng đây cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 vừa qua.
V.Du
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)