Theo thống kê vào năm 2019 – trước khi dịch Covid-19 bùng phát, có khoảng 20 triệu lượt khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài nhưng mới có khoảng 170.000 lượt khách đến Việt Nam. Con số cho thấy dư địa thị trường khách Ấn Độ là rất lớn. Giải pháp nào để kích hoạt nguồn khách từ nước này, nhất là phân khúc khách trung – cao cấp, khách tỉ phú tới Việt Nam?
Chưa xứng tiềm năng
Tại Hội nghị Xúc tiến lĩnh vực du lịch giữa Ấn Độ và Việt Nam do Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM tổ chức chiều 17-8, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), cho biết Ấn Độ đứng thứ 16 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có khách quốc tế vào Việt Nam. Ở chiều ngược lại, có khoảng 50.000 khách Việt qua Ấn Độ du lịch. “Con số này chưa như kỳ vọng và bài toán của ngành du lịch 2 nước là cần tháo gỡ điểm nghẽn để thúc đẩy nguồn khách” – ông Phạm Văn Thủy nói.
Ông Trần Phong Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Du lịch – Tổng cục Du lịch, cho rằng Việt Nam có hàng loạt điểm đến du lịch nổi tiếng và có tiềm năng thu hút khách du lịch từ Ấn Độ, nổi bật là những điểm đến: Hà Nội, Hạ Long, Sapa, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM… Trong khoảng 20 triệu lượt khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài mỗi năm, có khoảng 2 triệu lượt khách tới Thái Lan và 1,4 triệu lượt khách tới Singapore. Trong khi đó, lượng khách tới Việt Nam còn khá ít ỏi. “Làm sao để kết nối tốt hơn giữa các doanh nghiệp (DN) 2 nước cũng như cơ quan chức năng để cùng kích hoạt lượng khách này? Làm sao để đưa Ấn Độ lên tốp 10 thị trường cung cấp nguồn khách quốc tế cho Việt Nam?” – ông Bình đặt vấn đề.
Doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Ấn Độ kết nối, tìm hiểu cơ hội hợp tác để thúc đẩy khách du lịch giữa 2 thị trường. Ảnh: LAM GIANG
Đồng quan điểm, ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, thừa nhận chỉ có chưa tới 200.000 lượt khách Ấn Độ đến Việt Nam ở thời điểm chưa có dịch Covid-19 là con số khiêm tốn, không thể hiện hết tầm vóc của mối quan hệ 2 nước. Lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam có thể tăng lên cao hơn trong thời gian tới với những giải pháp kết nối cụ thể giữa 2 thị trường. “Gia đình tôi rất mong mỏi được đi du lịch Việt Nam và đây là dấu hiệu cho thấy sự lạc quan. Hiện nhiều hãng hàng không đã kết nối đường bay trở lại giữa các thành phố. Bên cạnh đó, có nhiều cơ hội để triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch đến Việt Nam và Ấn Độ. Ở phía Ấn Độ, du lịch khám chữa bệnh cũng rất tiềm năng mà chưa được nhiều du khách biết tới” – ông Pranay Verma nói.
Đại diện nhiều DN du lịch như Vietravel, TSTtourist, Lữ hành Fiditour – Vietluxtour… đều nhận định tiềm năng từ thị trường khách Ấn Độ là rất lớn. Đã có những đám cưới của các tỉ phú Ấn Độ được tổ chức tại địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam là Phú Quốc… Các DN đã, đang kết nối đưa khách Việt sang đất Ấn Độ và thu hút dòng khách du lịch từ thị trường 1,4 tỉ dân này tới Việt Nam.
Mở đường bay, đầu tư sản phẩm phù hợp
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và Marketing Công ty TSTtourist, đánh giá thời điểm này là cơ hội rất lớn để thúc đẩy thu hút du khách Ấn Độ bởi các DN lữ hành của thị trường này cũng đẩy mạnh xúc tiến và sẵn sàng hợp tác với DN Việt Nam. Ngay tại hội nghị này, đã có hơn 34 DN lữ hành từ Ấn Độ để DN Việt tiếp cận, giới thiệu du lịch TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8-2022 của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay Tổng cục Du lịch phấn đấu đạt mục tiêu 5 triệu khách du lịch trong năm nay và đang nhắm đến các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông. Một con số đáng chú ý là Việt Nam đang cấp 6.000 visa mỗi ngày cho khách du lịch Ấn Độ, cao hơn nhiều so với con số 250 visa/ngày ở thời điểm trước đại dịch.
Ngoài ra, một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy dòng khách từ Ấn Độ sang Việt Nam thời gian tới là việc các hãng hàng không liên tục mở đường bay thẳng kết nối những điểm đến du lịch nổi tiếng giữa 2 nước. Hiện Vietnam Airlines, Vietjet và hãng Indigo (Ấn Độ) đã khai thác hàng chục đường bay kết nối giữa các thành phố. Từ tháng 6-2022, Vietnam Airlines chính thức khai thác đường bay thẳng kết nối Việt Nam và Ấn Độ với các chuyến bay giữa TP Hà Nội, TP HCM và New Delhi. Trong khi đó, hãng hàng không Vietjet đã và sẽ khai thác 17 đường bay từ TP Hà Nội, TP HCM, TP Đà Nẵng, Phú Quốc đến New Delhi, Mumbai, Ahmedabad,Hyderabad, Bangalore.
Ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc Thương mại Vietjet, nhìn nhận Ấn Độ là thị trường mới, rất tiềm năng và là thị trường chiến lược của hãng trong những năm tới. “Vietjet khuyến mại giá vé máy bay chỉ từ 1 USD/chặng là cơ hội rất lớn để các nhà điều hành tour ở Ấn Độ có thể nghiên cứu, quảng bá, kết nối đưa khách từ thị trường này tới Việt Nam” – ông Nguyễn Bác Toán nói.
Ông Vishal Yadav, đại diện Hiệp hội Các nhà điều hành tour Ấn Độ, nhận định hiện thị trường Trung Quốc vẫn chưa mở cửa du lịch nên nhu cầu của du khách các nước, trong đó có Ấn Độ, về thị trường thay thế là rất lớn. Việt Nam đang có cơ hội lớn để đón nguồn khách quốc tế này nếu có giải pháp thúc đẩy du lịch mạnh mẽ. “Ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến vì nhiều người dân Ấn Độ vẫn chưa biết nhiều về những điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam” – ông Vishal Yadav gợi ý.
Sẵn sàng đón khách
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM 2022 (ITE HCMC 2022) diễn ra từ ngày 8 đến 10-9 tại TP HCM sẽ có trên 150 người mua quốc tế từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, sự tham gia của những thị trường tiềm năng như Ấn Độ là cơ hội để quảng bá, xúc tiến nhằm thu hút khách du lịch quốc tế tới TP HCM và Việt Nam.
Ngay từ đầu năm nay, TP HCM đã chủ động xúc tiến du lịch với Ấn Độ. Việc mở đường bay thẳng cùng sự ủng hộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho thấy cơ hội rất lớn trong đón khách từ thị trường tiềm năng này. “Để chuẩn bị đón dòng khách Ấn Độ, chúng tôi đã tổng hợp danh sách những nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú… có thể phục vụ nhu cầu đặc thù. Đồng thời, chuẩn bị ấn phẩm giới thiệu về những nhà hàng, khách sạn có dịch vụ đáp ứng được nhu cầu và sẵn sàng phục vụ dòng khách này” – bà Ánh Hoa thông tin.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)