Theo Science Alert, hành tinh này có tên WASP-39b, một gã khổng lồ khí cực nóng, có khối lượng gần bằng Sao Thổ, nằm trong quỹ đạo rất gần của một ngôi sao giống Mặt Trời cách chúng ta 700 năm ánh sáng.
Tuy có vẻ khó là một thế giới phù hợp với sự sống, nhưng WASP-39b đã lần lượt hé lộ những điều làm giới thiên văn kinh ngạc.
WASP-39b – Ảnh: NASA/ESA/CSA/STScI
Sau khi WASP-39b được phát hiện vào năm 2011 bởi một số kính thiên văn trên mặt đất, hai kính viễn vọng không gian nổi tiếng Hubble và Spitzer đã tiết lộ một lượng đáng kể hơi nước trong bầu khí quyển của nó.
Giờ đây, độ nhạy hồng ngoại vô song của James Webb tiếp tục một điều vô cùng khó hiểu và gây kinh ngạc khác: Carbon dioxide (CO2).
Carbon dioxide từ lâu được biết đến như một trong những dấu hiệu đại diện cho sự sống mà các nhà thiên văn học trông chờ nhất ở một hành tinh, nhưng việc tìm thấy nó ở một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời là ngoài tầm với, cho tới khi James Webb xuất hiện.
“Lý do chúng tôi không thể xác định chắc chắn carbon dioxide trong khí quyển WASP-39b trước đây là vì chúng tôi chưa từng có một kính thiên văn nào có thể tạo ra quang phổ trên bước sóng phù hợp” – Phó giáo sư thiên văn học Eliza Kempton từ Trường Đại học Maryland, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Khám phá này cho thấy James Webb đã làm được điều nó mong đợi – trở thành một thiết bị đọt phá trong quan sát thiên văn.
Có thể WASP-39b quá nóng để sống thật, nhưng việc lần đầu tiên một kính thiên văn của nhân loại có thể quan sát được một “khí sự sống” khó xác định như carbon dioxide ở một ngoại hành tinh khác đã mở ra một cánh cửa mới: Nó có thể áp dụng phương thức tương tự để tìm carbon dioxide ở các ngoại hành tinh khác, phù hợp với sự sống hơn.
Hơn 300 nhà khoa học từ khắp nơi đã tham gia dự án khám phá thế giới của các ngoại hành tinh thông qua “mắt thần” của James Webb này.
James Webb – kính viễn vọng 9 tỉ USA được điều hành bởi NASA, ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) và CSA (Cơ quan Vũ trụ Canada) – được thiết kế với mục tiêu chính là nghiên cứu các vật thể xa xôi của vũ trụ, nhưng vì quá nhạy nên cũng có thể được ứng dụng để soi vào các ngoại hành tinh đã xác định để tìm hiểu thành phần và thậm chí là bằng chứng sự sống trên các thế giới đó.
Nghiên cứu về phát hiện độc đáo trên WASP-39b đã được công bố trực tuyến trên arXiv và đã được tạp chí khoa học Nature chấp thuận.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)