Trang chủ Kinh doanhTài chính “Kẽ hở” buôn lậu vàng | Tài Chính

“Kẽ hở” buôn lậu vàng | Tài Chính

bởi Linh


Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường xuyên duy trì ở mức cao khiến nhiều đối tượng tìm cách buôn lậu vàng về Việt Nam để kiếm lời

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu – Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP HCM và Công an tỉnh Tây Ninh vừa công bố triệt phá đường dây buôn lậu gần 200 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam.

Buôn lậu vàng “khủng” chỉ là bề nổi?

Đây là đường dây buôn lậu rất lớn, diễn ra trong thời gian dài, liên quan đến nhiều đối tượng, trên nhiều tỉnh, thành phố với thủ đoạn thiết lập đường dây khép kín, thu mua gom ngoại tệ (USD) từ Việt Nam chuyển qua Campuchia mua vàng để mang về Việt Nam tiêu thụ. Kết quả phá án bước đầu, chỉ riêng trong 2 ngày 27 và 28-9, đường dây này đã nhập lậu 198 kg vàng. Đến nay đã thu giữ 103 kg vàng, hơn 2,8 triệu USD và 26,7 tỉ đồng…

“Chỉ 2 ngày mà cơ quan công an thu giữ gần 200 kg vàng lậu, cho thấy nhu cầu đem vàng nguyên liệu từ Campuchia về Việt Nam bán lại để hưởng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế là rất lớn. Bởi ở Campuchia, việc giao dịch vàng nguyên liệu được phép và có thể đặt hàng rồi nhận vàng với thị trường Singapore rất đơn giản. Do đó, mỗi khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao sẽ kích thích nhu cầu gom USD, nhập lậu vàng qua đường biên giới” – một chuyên gia nhiều năm trong ngành vàng nói.

Kẽ hở buôn lậu vàng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng thu giữ hơn 2,8 triệu USD và 26,7 tỉ đồng trong vụ buôn lậu vàng qua biên giới. Ảnh: BỘ CÔNG AN

Số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy trung bình mỗi năm thị trường Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ. Như vậy, mỗi tháng có nhu cầu tiêu thụ khoảng 1-1,5 tấn vàng trang sức. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, trong đó có nhẫn trơn 24K là không nhỏ.

Tuy nhiên, từ khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng (từ năm 2012 đến nay), Ngân hàng Nhà nước độc quyền quản lý thương hiệu vàng miếng SJC, đồng thời chưa cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC cho doanh nghiệp nào. Nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường hiện nay chủ yếu từ mua đi bán lại và lượng vàng doanh nghiệp mua trôi nổi trên thị trường.

Người mua vàng đang bị thiệt

Nhân viên một tiệm vàng lớn ở TP HCM cho biết những ngày qua, nhu cầu mua vàng trang sức, đặc biệt là vàng nhẫn 24K, tăng mạnh khi giá vàng thế giới giảm sâu. Vì giá vàng SJC nhiều tháng qua thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới từ 16-18 triệu đồng/lượng, người dân ngại rủi ro chênh lệch giá nên đã chuyển qua mua vàng nhẫn. Báo cáo 8 tháng về hoạt động kinh doanh của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy doanh thu vàng 24K trong 8 tháng đầu năm tăng tới 87,5% so với cùng kỳ khi nhu cầu của khách hàng tăng trong bối cảnh áp lực lạm phát.

Giải thích rõ hơn, đại diện một doanh nghiệp vàng ở TP HCM cho biết nhu cầu mua vàng nhẫn cao nhưng nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức lại ngày càng khan hiếm. Từ đó, doanh nghiệp buộc phải tìm các nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, có thể bao gồm cả vàng nhập lậu từ biên giới. “Giá vàng nguyên liệu 24K hiện khoảng 51,2 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đủ hấp dẫn để kích thích nhu cầu buôn lậu vàng qua đường biên giới” – đại diện doanh nghiệp này nói.

Để nhập lậu vàng, các đối tượng sẽ mua gom USD trên thị trường tự do, góp phần đẩy giá USD tự do tăng, ảnh hưởng đến tỉ giá. Theo các chuyên gia, nếu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới về mức hợp lý, sẽ không còn tình trạng buôn lậu vàng.

Nhiều năm qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) đã liên tục kiến nghị cho nhập vàng nguyên liệu chính ngạch để sản xuất, gia công vàng trang sức đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Bởi nhu cầu mua vàng trang sức là có và nhu cầu mua vàng nhẫn 24K để dành đang gia tăng trong bối cảnh lạm phát, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… kém hấp dẫn.

“Các doanh nghiệp nói để phòng rủi ro giá vàng biến động nên giãn rộng chênh lệch giá mua vào – bán ra cả triệu đồng/lượng, đồng thời giá vàng trang sức cao hơn thế giới 3-4 triệu đồng/lượng. Như vậy, người tiêu dùng đang bị thiệt 2 lần. Vàng trang sức không phải phương tiện thanh toán, không ảnh hưởng đến đô-la hóa nền kinh tế nên có thể cho nhập chính thức, thậm chí thu thuế nhập khẩu 1% để ngân sách được hưởng” – một chuyên gia vàng kiến nghị.

Trước đó, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp. 

Với vai trò quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp. 

Chênh lệch 18 triệu đồng/lượng

Cuối ngày 30-9, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 65,5 triệu đồng/lượng, bán ra 66,4 triệu đồng/lượng, tăng mạnh 850.000 đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại cũng tăng mạnh lên 51,45 triệu đồng/lượng mua vào, 52,45 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 700.000 đồng/lượng so với hôm qua.

Cuối ngày, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới được giao dịch ở mức 1.664 USD/ounce, tương đương khoảng 48,3 triệu đồng/lượng quy đổi theo tỉ giá niêm yết, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 18 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng trang sức 24K khoảng 4 triệu đồng/lượng.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm