Mầm bệnh cổ đại được “hồi sinh” khi băng vĩnh cửu ở các địa cực tan chảy do biến đổi khí hậu từ lâu đã là mối lo của các nhà khoa học.
Theo The Guardian, để kiểm tra khả năng này, nhà di truyền học Stéphane Aris-Brosou và các cộng sự từ Trường Đại học Ottawa – Canada đã thu thập các mẫu đất và trầm tích từ Hồ Hazen, một hồ nước ngọt lớn ở Bắc Cực, nơi đón nhận lượng nước tan chảy từ các sông băng quanh đó.
Hồ Hazen ở Bắc Cực – Ảnh: CBC
Họ đã giải trình tự RNA và DNA trong các mẫu này để xác định các dấu hiệu trùng khớp chặt chẽ với các virus đã biết, cũng như các vật chủ tiềm năng là động vật, thực vật hoặc nấm, đồng thời chạy một thuật toán đánh giá khả năng các virus này lây nhiễm cho các nhóm sinh vật.
Kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the Royal Society B gây giật mình: Nguy cơ virus lây lan sang vật chủ mới cao hơn ở những vị trí gần nơi có lượng nước lớn do sông băng chảy vào. Tình huống này sẽ ngày một dễ xảy ra khi khí hậu ấm dần lên.
Nhóm nghiên cứu chưa định lượng được có bao nhiêu loại virus mà họ xác định trong các mẫu này chưa được biết đến và dự định sẽ thực hiện trong vài tháng tới.
Họ cũng chưa thực hiện đánh giá liệu những virus “sống dậy” từ băng có khả năng gây nhiễm trùng hay không.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác gần đây từ Đại học Bang Ohio – Mỹ cho biết họ đã tìm được vật chất di truyền từ 33 loại virus – 28 trong đó là mới lạ – từ các mẫu băng ở cao nguyên Tây Tạng – Trung Quốc. Các virus được ước tính khoảng 15.000 năm tuổi.
Năm 2014, Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp ở Aix-Marseille đã tìm cách hồi sinh một loại virus khổng lồ phân lập từ băng ở Siberia – Nga. Và thật đáng sợ, họ đã giúp nó lây nhiễm thành công cho vật thí nghiệm sau 30.000 năm “tuyệt tích”.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)