Mạng lưới sông ngòi dày đặc và đường bờ biển dài được xem là điều kiện thuận lợi để các địa phương ĐBSCL phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều lợi thế thì khu vực này cũng đã và đang đối mặt không ít khó khăn do sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra khắp nơi.
Khai thác cát quá mức
Bà Tống Thị Mai – ngụ phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ – thất thần mấy ngày qua vì căn nhà của bà đã sụp xuống sông Ô Môn. “Nhà tôi bị sạt lở và sụp hoàn toàn xuống sông, thiệt hại khoảng 600 triệu đồng” – bà lo lắng.
Hai tuần trước, thấy khu vực mình ở có dấu hiệu sạt lở, bà Mai đã thuê thợ gia cố, đóng cừ làm kè tạm để bảo vệ ngôi nhà. Tuy nhiên, trưa 28-3, sạt lở đã xảy ra ở bờ sông Ô Môn khiến nhà bà cùng 4 hộ dân khác bị sụp xuống sông. Vụ sạt lở này xảy ra gần dốc cầu Ô Môn, với điểm sạt dài khoảng 40 m, ăn sâu vào bờ hơn 10 m.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Cần Thơ, cho biết 10 năm qua, địa phương có 256 điểm sạt lở, riêng năm 2021 là 23 điểm. “Sạt lở đã trở thành chuyện quan tâm của toàn xã hội, nguồn lực để khắc phục rất lớn nhưng ĐBSCL vẫn chưa đáp ứng được. Một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở là do lượng bùn cát, phù sa về ĐBSCL giảm, nhu cầu xây dựng nhiều công trình dẫn đến khai thác cát quá mức” – ông Nghiêm phân tích.
Trong khi đó, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 101 điểm sạt lở với chiều dài 7.497 m, ước tính kinh phí xử lý khoảng 133 tỉ đồng. Sở NN-PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo để đánh giá tình hình sạt lở và đề xuất giải pháp khắc phục.
“Tiền Giang hiện có 7 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp với tổng kinh phí 175 tỉ đồng để chuẩn bị điều kiện ứng phó tốt hơn với tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển và xâm nhập mặn. Tiền Giang sẽ kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung vốn từ nguồn ngân sách trung ương cho tỉnh đầu tư” – một lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết.
Tại Cà Mau, dù chưa bước vào mùa mưa bão nhưng đê biển Tây đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở với chiều dài hơn 700 m. Hằng năm, hàng trăm hécta rừng phòng hộ bị cuốn trôi. Dự báo thời gian tới, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp tục “nóng” dần lên do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Bờ sông Ô Môn ở TP Cần Thơ bị sạt lở ngày 28-3 vừa qua. Ảnh: CA LINH
Bố trí thêm 2.680 tỉ đồng
Theo Bộ NN-PTNT, diễn biến thất thường của thời tiết, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng… đã khiến tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn ra ngày càng phức tạp, dẫn đến mất rừng phòng hộ, ảnh hưởng việc ổn định dân sinh ở ĐBSCL.
Từ năm 2016 đến nay, các nguồn vốn ngân sách trung ương, ODA… đã hỗ trợ ĐBSCL khoảng 9.764 tỉ đồng để xử lý sạt lở bờ biển, bờ sông nhằm ổn định cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ còn bố trí 2.680 tỉ đồng cho các dự án phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do Bộ NN-PTNT quản lý. Trong đó, đầu tư xây dựng 15 km kè giảm sóng gây bồi bảo vệ bờ biển Tây của tỉnh Cà Mau với hơn 380 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, để bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân phía trong đê trước nguy cơ sạt lở, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ đê biển và rừng phòng hộ. Trong đó, biện pháp kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi được xem là hiệu quả nhất, Cà Mau đã triển khai được 50 km kè đê biển bằng phương pháp này.
“Phương pháp kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi là đóng 2 hàng cọc bê-tông, mỗi hàng cách nhau trên 1,5 m và mỗi cọc cách nhau hơn 15 cm, bên trong được thảm đá… Đỉnh kè thiết kế thấp hơn sóng để giảm tác động khi sóng biển tràn vào nhằm tích tụ phù sa, tạo bãi bồi, từng bước khôi phục đai rừng phòng hộ, góp phần bảo vệ đê biển Tây trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên” – ông Hoai lý giải.
Giải pháp trên được thí điểm tại bờ biển Đông cũng đem lại hiệu quả khá cao. Cụ thể, với hơn 1 km đê biển có kè thì phía ngoài đai rừng phòng hộ phát triển xanh tốt. Kè ly tâm chắn sóng tạo bãi bồi được ngành nông nghiệp và chuyên ngành thủy lợi đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong việc ứng phó sạt lở bờ biển.
Tại Cần Thơ, để phòng chống sạt lở, thành phố đang xây dựng 3 công trình kè sông Ô Môn với tổng kinh phí hơn 410 tỉ đồng. Ngoài tác dụng phòng chống sạt lở, bảo vệ bờ sông, các công trình này còn giúp bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài cho dân cư đang sinh sống trong khu vực và bảo vệ đất đai, kết cấu hạ tầng, công trình xây dựng ven sông.
Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân
Một trong những giải pháp mà tỉnh Tiền Giang cho rằng sẽ đạt hiệu quả tốt là nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc phòng ngừa, hạn chế sạt lở bằng cách trồng lục bình, cây chắn sóng, trồng cỏ ven sông rạch. Ngoài ra, Tiền Giang cũng yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở, chủ động huy động các nguồn lực và nguồn vốn hợp pháp để xử lý. Trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, công trình… để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, của nhân dân.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)