Đêm nhạc “21 năm nhớ Trịnh Công Sơn” vừa diễn ra tại Đường sách TP HCM vào ngày 1-4, nhìn vào danh sách ca sĩ tham gia chương trình, khán giả có thể thấy các giọng ca trẻ đang chiếm ưu thế.
Rất đông khán giả tham dự Đêm nhạc “21 năm nhớ Trịnh Công Sơn” tại Đường sách TP HCM ngày 1-4 (Ảnh: NGUYÊN THANH)
Một “màu Trịnh” khác
Rapper Hà Lê là giọng ca tạo dấu ấn với khán giả yêu nhạc. “Trịnh Contemporary” được xem là dự án âm nhạc cá nhân để định hình phong cách âm nhạc của Hà Lê ở thời điểm hiện tại. Bằng cách đặt âm nhạc Trịnh Công Sơn trong cảm hứng đương đại, Hà Lê đã đưa đến một chiều không gian khác, một “màu Trịnh” khác, một “hồn Trịnh” đã chinh phục đông đảo công chúng mộ điệu nhạc Trịnh.
Hà Lê cho hay: “Trịnh Contemporary không dừng lại ở cover những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, như “Hạ trắng”, “Diễm xưa”… Tôi muốn đem lại một âm hưởng mới mẻ nhưng vẫn trong lành từ những lời nhạc, giai điệu bất hủ mà bậc tiền bối để lại”.
“Ngoài góc độ ca sĩ, tôi muốn lan tỏa cảm hứng đương đại trong sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn ở vai trò là người kết nối nhiều nghệ sĩ khác, hình thức nghệ thuật khác trên cơ sở đồng cảm về tư duy, để tìm tòi thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn qua những cách biểu đạt khác nhau. Đó có thể là âm nhạc, điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, biểu diễn, nhiếp ảnh…” – Hà Lê nói.
Hà Lê còn ấp ủ một concert nhạc kịch Trịnh Công Sơn được kể bằng những câu chuyện khác, nhân vật khác. Anh nói: “Đó là tham vọng của tôi, muốn chuyển tải lời ca Trịnh Công Sơn trên sân khấu nhạc kịch. Nếu làm được concert đó tôi mới xứng đáng vác trên vai chữ “Trịnh contemporary”.
Ca sĩ Hiền Thục tại Đêm nhạc “21 năm nhớ Trịnh Công Sơn” (Ảnh: NGUYÊN THANH)
Giang Trang cũng là một cái tên ấn tượng khi cô lựa chọn cách tiếp cận nhạc Trịnh với tư tưởng riêng. Cô được gọi là người mang nhạc Trịnh đãi xứ anh đào khi tổ chức đêm nhạc Trịnh ở Tokyo (Nhật Bản). Trang chỉ nhận mình là một “amateur chơi nhạc” nhưng với tư duy của một người chơi nhạc hơn là một ca sĩ, Giang Trang đã có một con đường âm nhạc riêng với những tìm tòi mang tính chất suy tưởng về “Người âm nhạc Trịnh Công Sơn”.
Sở hữu một giọng hát trong trẻo cùng phong cách giản dị, Giang Trang đã mang đến một tiếng nói riêng trong cuộc chơi âm nhạc của mình. Như cách Trang vẫn hay nói, đó là khám phá những vẻ đẹp tĩnh lặng của âm nhạc Trịnh Công Sơn. Giang Trang hát nhạc Trịnh là một dấu ấn không thể trộn lẫn trong dòng chảy của nhạc Trịnh đương đại.
Trong khi đó, hình ảnh cặp đôi Hoàng Trang và Nguyễn Đông (chơi guitar) gợi nhớ đến vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc của nhạc Trịnh. Hoàng Trang và Nguyễn Đông hy vọng khi hết dịch, sẽ cùng nhau đi khắp mọi miền đất nước, hát nhạc Trịnh cho mọi người nghe, đúng theo tinh thần du ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly ngày trước.
Cảm nhận bằng trái tim
Nhiều người trước đây vẫn xem giọng hát của Khánh Ly, Lệ Thu, sau này là Hồng Nhung, Đức Tuấn như những chuẩn mực của người hát nhạc Trịnh. Điều này không sai, nhưng sự xuất hiện của những giọng ca trẻ hát nhạc Trịnh hôm nay đã tạo nên diện mạo khác về người hát nhạc Trịnh. Họ cũng đem đến sự thú vị cho khán giả yêu nhạc. Đêm nhạc “21 năm nhớ Trịnh Công Sơn” đã để lại nhiều cảm xúc, khi những giọng ca trẻ thể hiện những nhạc phẩm quen thuộc nhưng với tinh thần trẻ trung, mới lạ.
Avin Lu với “Tuổi đá buồn”, Việt Hưng và Samuel An chọn hát “Ở trọ”, cô gái Nhật Bản Nakatani Akari trình bày tình ca “Diễm xưa”… trước sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người. Ca sĩ Avin Lu tâm sự: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt triết lý sống vào trong âm nhạc, những triết lý đó giúp cho tôi nhiều trong cuộc sống. Tôi nhìn lại bản thân mình, biết mình cần gì, mình muốn gì để mọi thứ tốt đẹp hơn”.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ tài hoa. Âm nhạc của ông đầy màu sắc, vỗ về tâm hồn mỗi người. Với nhạc Trịnh không thể nhận xét phần trình diễn, kỹ thuật thanh nhạc mà phải cảm nhận bằng trái tim, bằng cảm xúc. Điều này lý giải, ngay cả giọng ca Miu Lê – tưởng chừng chỉ gắn liền với nhạc trẻ – cũng đã tạo ấn tượng khó phai với một số ca khúc nhạc Trịnh. Tiếng hát trong trẻo, không cầu kỳ của Miu Lê vô tình như “sinh ra để hát những bản nhạc không ưu tư, phiền não” của nhạc Trịnh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)