Một khi chê trách ai, ta bảo “Già dái non hột” là hiểu theo nghĩa bóng kẻ đó bề ngoài hung hăng, hung tợn cứ như thể chực ăn tươi nuốt sống người khác nhưng thật ra bên trong lại nhút nhát, hèn nhát, sợ sệt. Có cho tiền cho bạc cũng đố dám.
Thế nhưng dái trong câu thành ngữ “Khôn cho người ta dái…” lại có nghĩa là sợ, kiêng nể bởi thế mới có câu: “Cha kính mẹ dái”. “Thiên Nam ngữ lục” ra đời thế kỷ XVII; trong tổng số 8.136 câu thơ lục bát – được xem là tác phẩm văn vần dài nhất trong kho tàng văn học Việt Nam viết bằng chữ Nôm, có câu: “Xa gần mến đức dái uy”. Thật ra, trước đó nữa, từ thời nhà Lê ở thế kỷ XV, nhà văn hóa Nguyễn Trãi cũng đã từng viết: “Chuộng thì nên ngõ, nhờn thì dái”.
Có thể câu thơ này khó hiểu chăng? Xin giải thích nôm na: Được trọng/ trọng vọng/ quý trọng/ yêu mến (chuộng) thì nên giỏi (ngõ). Từ cổ “ngõ” còn lưu dấu trong lời ăn tiếng nói trong quá khứ xa xăm: “Có tài có ngõ thì gõ với nhau”. Thế nhưng do từ ngõ đã hoàn toàn mất nghĩa nên câu tục ngữ này, hiện nay đã trở nên phổ biến là “Có tài có mỏ thì gõ với nhau/ Có sừng có mỏ thì gõ với nhau”.
Không chỉ có thế, “Từ điển Việt – Bồ – La” (1651) cho biết còn có từ… “kính dái” và giải thích: “Sợ một cách tôn kính như đối với cha mẹ, vua chúa…”. Trải qua năm tháng, dái theo nghĩa đầu đã mất đi. Chính vì thế, có câu nguyên bản “Quen dái dạ, lạ dái áo” nhưng rồi do không hiểu dái là gì nên người ta mới nói “Quen sợ dạ, lạ sợ áo/ Quen nể dạ, lạ nể áo” như nhiều từ điển đã ghi nhận.
Xin hỏi một cách nghiêm túc rằng có phải từ dái theo nghĩa sợ, khiêng nể dần dần đã được hoán đổi qua rái? Vâng, đúng là thế. Có lẽ là do cách phát âm của vùng miền nên từ d (dái) lại biến đổi qua r (rái)? Khi lấy “Việt Nam tự điển”, do Hội Khai trí tiến đức khởi thảo, so sánh với từ điển trong Nam, ta thấy có nhiều trường hợp, trong chừng mực nào đó thì d/r đã có sự tương đồng. Chẳng hạn, bóng dâm/ bóng râm, hoa dâm bụt/ hoa râm bụt, dòi/ ròi, dọi/ rọi, dởm/ rởm, giỡn (dỡn)/ rỡn, sợ dởn tóc gáy/ sợ rởn tóc gáy, dùn/ rùn, dứt/ rứt…
“Việt Nam tự điển” (1931) ở ngoài Bắc giải thích: “Rái: Sợ, hãi” và dẫn câu: “Yêu nhau như chị em gái, rái nhau như chị em dâu”. Hiện nay, sự ghi nhận lẫn lộn giữa dái/ rái xuất hiện ở nhiều từ điển thành ngữ, tục ngữ cũng là điều dễ hiểu.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)