Với nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn thị trường từ lâu là một trong những ưu tiên của người nội trợ khi đi mua sắm nhờ giá thấp hơn hàng cùng chủng loại trên thị trường.
Áp lực giữ giá thấp hơn thị trường
Những ngày cuối tháng 6-2022, theo ghi nhận tại thị trường TP HCM, trong khi giá trứng gà công nghiệp đóng hộp ở các tiệm tạp hóa, chợ truyền thống vẫn xoay quanh mức 32.000 – 35.000 đồng/chục thì giá hàng bình ổn thấp hơn. Cụ thể, tại Co.opMart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), trứng gà bình ổn của các thương hiệu Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, Co.op Select giá chỉ 31.500 đồng/chục nên luôn đắt hàng, cứ vài phút lại có người chọn 1-3 vỉ cho vào giỏ hàng.
Mặt hàng “nóng” thứ 2 là dầu ăn. Đây là hàng bình ổn có mức giá thấp nhất thị trường (50.000 đồng/lít các thương hiệu Nakydaco, Olita) và đang có chương trình giảm giá thêm 2.000 – 2.500 đồng/lít nên cũng hỗ trợ người tiêu dùng.
Với thịt heo, giá bán lẻ trên thị trường có xu hướng tăng nhẹ khoảng 1 tuần nay. Cùng thời gian, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) – doanh nghiệp (DN) chủ lực tham gia bình ổn thị trường thịt heo – áp dụng giảm giá “sốc” cho hầu hết các mặt hàng bán tại hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan, cửa hàng Satra Food và một số cửa hàng, siêu thị khác.
Hàng bình ổn thị trường bán trong siêu thị ở TP HCM. Ảnh: AN NA
Riêng mặt hàng trứng gà, những bà nội trợ tinh ý dễ dàng nhận ra giá hàng bình ổn đã tăng 2.000 đồng/chục so với ngày 14-6. Mức này được Sở Tài chính TP HCM đồng ý điều chỉnh sau khá nhiều ngày DN bình ổn “gồng mình” giữ giá trong khi giá trứng gia cầm trên thị trường tăng đột biến từ nửa cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 6.
Các DN tham gia bình ổn mặt hàng này lo lắng không thể cầm cự nếu không được điều chỉnh tăng giá bán, thậm chí ảnh hưởng đến nguồn cung trứng gà, vịt trong các tháng tiếp theo nếu chênh lệch giữa giá trứng bình ổn và ngoài thị trường tiếp tục duy trì mức 12%-15%. Lúc này, DN vừa phải gánh lỗ vừa phải nỗ lực tăng sản lượng cho các kênh bán hàng bình ổn.
Theo giám đốc một DN chăn nuôi tham gia chương trình bình ổn giá, nhóm các sản phẩm chăn nuôi đang bị sức ép lớn từ việc tăng giá đầu vào. Giám đốc DN này nhận định: “Trứng, thịt gà, thịt heo đều tăng giá thành rất nhiều. Với các DN tổ chức sản xuất chăn nuôi khép kín từ con giống, thức ăn đến giết mổ thì giá bán bình ổn đã “chốt” vẫn còn lợi nhuận, song các DN chỉ thực hiện một vài khâu sẽ gặp khó khăn.
Đối với mặt hàng thịt heo, do nguồn cung dồi dào, sức mua thấp nên giá bán lẻ trên thị trường cũng thấp, không thể tăng tương ứng với giá đầu vào. Một số DN tham gia bình ổn mặt hàng này thường xuyên phải khuyến mãi, giá bán thấp hơn giá bình ổn đã chốt”.
Cần sớm có cách làm khác
Nhìn chung, hầu hết DN tham gia bình ổn thị trường ở TP HCM đã gắn bó với chương trình từ những năm đầu, có nhiều kinh nghiệm ứng phó các tình huống để bảo đảm cung ứng đủ, thậm chí nhiều hơn lượng hàng đăng ký hằng năm để góp phần ổn định thị trường, đặc biệt trong những thời điểm có biến động. Dù vậy, các DN vẫn rất lo ngại vì trong đa số tình huống, việc điều chỉnh giá hàng bình ổn thường chậm so với diễn biến thị trường, đẩy DN vào thế khó.
Cần có sự cải thiện từ phía cơ quan nhà nước để vừa bảo đảm nhiệm vụ bình ổn thị trường vừa hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với DN. Thực tế nhiều năm nay, chúng ta đang bình ổn cắt khúc vì chỉ bình ổn giá hàng hóa bán đến tay người tiêu dùng mà chưa bình ổn giá hàng hóa đầu vào cho DN, khiến nhiều giai đoạn DN “thở không ra hơi” – ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, bày tỏ.
Ông An gợi ý cần mở rộng triển khai bình ổn từ đầu nguồn, vận động các DN chăn nuôi lớn tham gia chương trình để góp phần giữ giá đầu vào cho DN bình ổn. “Vissan chỉ chủ động khoảng 10% sản lượng giết mổ, 90% còn lại là thu mua từ các trang trại lớn. Vì thế, khi có biến động giá, các trang trại bán heo hơi theo giá thị trường, Vissan phải chịu mất lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận để bán theo giá bình ổn” – ông An nêu dẫn chứng minh họa lý do cần thực hiện bình ổn theo chuỗi từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra và có sự chủ động, linh hoạt hơn trong công tác bình ổn giữa DN và cơ quan chức năng.
Ở góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết trong bối cảnh thị trường chịu nhiều tác động tiêu cực từ trong và ngoài nước, DN bình ổn buộc phải thay đổi cách làm và chương trình cần có sự thay đổi cho phù hợp. “Bình ổn thị trường giai đoạn này phải gắn chặt với các chuỗi giá trị cũng như chuỗi cung ứng trong bình diện chung; bảo đảm quyền lợi cho cả người sản xuất, nhà cung ứng lẫn người tiêu dùng” – ông Đức đề xuất.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, đến nay, chương trình bình ổn thị trường triển khai dựa trên sự cam kết của DN với TP HCM, chương trình hỗ trợ kết nối tín dụng, kết nối cung cầu thị trường, kết nối vùng nguyên liệu và hỗ trợ truyền thông cho DN. Các DN đã thực hiện sứ mệnh của mình bằng những đơn hàng lớn, xuyên suốt. Hiện chi phí đầu vào gia tăng nhưng sức mua chưa tăng như mong đợi. DN sản xuất đang tìm mọi cách phối hợp với DN phân phối để giữ giá, chia sẻ với cộng đồng.
“TP HCM chuẩn bị tổng kết 20 năm chương trình bình ổn thị trường. Hy vọng sau khi đánh giá tổng kết, thành phố sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp để tiếp tục đồng hành với các DN sản xuất, hệ thống phân phối và người tiêu dùng” – một chuyên gia bán lẻ nêu.
Phải bảo đảm doanh nghiệp bình ổn cung ứng đủ hàng theo đăng ký
Ông Lê Văn Quyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Long Thành Phát (tỉnh Đồng Nai), Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ – cho rằng nếu tổ chức sản xuất theo chuỗi thì có thể hạ giá thành, giúp người chăn nuôi có lãi còn người tiêu dùng không phải mua hàng giá cao. HTX tập hợp được nhiều trang trại nên tổ chức sản xuất lớn, mua được giá sỉ con giống, thức ăn… nên giá thành thấp hơn sản xuất đơn lẻ.
“Hiện nay, giá gà lông trắng trên thị trường là 40.000 đồng/kg do hàng đang hút. Chúng tôi ký hợp đồng chốt giá 28.000 đồng/kg, họ hoàn toàn có thể bán giá 45.000 đồng/kg (gà sau giết mổ, nguyên con) như giá bình ổn đối với mặt hàng này. Với giá hợp đồng 28.000 đồng/kg, HTX vẫn có lãi do cũng chốt được giá con giống, thức ăn, vật tư đầu vào ở mức thấp. Vấn đề ở đây là các DN bình ổn phải tổ chức được chuỗi sản xuất để có giá thành hợp lý và ổn định, không thể “thả nổi” theo thị trường” – ông Quyết dẫn chứng.
Ông Quyết cho rằng ở những thời điểm giá cả có sự chênh lệch như hiện nay, cần kiểm soát các DN bình ổn xem họ có cung cấp đủ số lượng hàng theo giá bình ổn cho người tiêu dùng hay không. Bởi lẽ, nếu đưa hàng ít hơn, chính họ là người hưởng lợi.
Giữ ổn định lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp bình ổn
Trong bối cảnh DN bình ổn gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng, ngành ngân hàng TP HCM đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các DN tham gia bình ổn thị trường.
“Các DN tham gia chương trình này phần lớn là DN sản xuất – kinh doanh và phân phối hàng hóa thiết yếu, thuộc các lĩnh vực: lương thực – thực phẩm, y tế, giáo dục phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đời sống của người dân. Trên cơ sở mối quan hệ giữa ngân hàng và DN tham gia chương trình nhiều năm qua, các ngân hàng xem xét giữ ổn định lãi suất, không tăng lãi suất cho vay đối với những DN này. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường” – ông Lệnh cho biết.
Việc yêu cầu các ngân hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2022 – Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn TP HCM được Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố xác định là một nhiệm vụ của ngành, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế TP HCM năm 2022. Các ngân hàng thương mại đang cho doanh nghiệp bình ổn vay với lãi suất từ 4%-6,5%/năm.
T.Phương
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)