Từ tháng 8 đến nay, tổng số ca nhiễm virus Adeno được ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương là hơn 400, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đã có 6 bệnh nhi tử vong. Đáng lưu ý, chỉ trong 1 tuần gần đây, bệnh viện ghi nhận hơn 150 trường hợp dương tính với virus Adeno.
Số ca nhiễm tăng cao sau dịch COVID-19
Bệnh nhi V.G.H, 4 tuổi ở Hà Nội, là một trong số hàng trăm trẻ nhiễm virus Adeno. Trước khi nhập viện, bệnh nhi có sốt cao, khò khè kèm theo rối loạn tiêu hóa. Đi khám phát hiện bé nhiễm virus Adeno và phải nhập viện điều trị cách ly. Sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhi đã được xuất viện.
PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết tại trung tâm đang điều trị 25 bệnh nhi bị nhiễm virus Adeno kèm theo tình trạng viêm phổi hoặc có suy hô hấp nhưng may mắn không có trường hợp nào quá nặng.
Theo PGS Hanh, từ đầu tháng 8 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 70 bệnh nhân nhập viện, trong đó có tới 30%-40% bệnh nhi suy hô hấp. Hầu hết bệnh nhân khỏi bệnh sau 10-14 ngày điều trị, những trường hợp tử vong xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như suy sinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh phổi mạn tính. “6 trẻ tử vong do nhiễm virus Adeno đều mang bệnh nền hoặc đồng nhiễm virus khác nên tỉ lệ này không bất thường – PGS Hanh khẳng định.
Điều trị cho trẻ nhiễm virus Adeno ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: NGỌC DUNG
Lý giải về số ca nhiễm virus Adeno tăng cao trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp, PGS Hanh cho rằng nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy viêm phổi do virus Adeno có thể trở thành dịch và những dịch này thông thường xuất hiện sau các đợt dịch sởi, cúm. “Việt Nam vừa trải qua dịch COVID-19, cúm A nên khả năng tỉ lệ viêm phổi do Adeno tăng cũng phù hợp” – PGS Hanh nói.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên ở khu vực phía Nam, các chuyên gia cho rằng phụ huynh không nên quá hoang mang vì Adeno là virus khá kinh điển của bệnh hô hấp. Ghi nhận tại Khoa Hô hấp 2 – Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), thời gian qua, bệnh nhi mắc các bệnh lý về hô hấp trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 50 trẻ nhập viện. Tuy nhiên, khi đề cập đến bệnh nhi nhiễm virus Adeno, BSCKII Trần Quỳnh Hương, Trưởng Khoa Hô hấp 2, cho biết để xác định trẻ có nhiễm bệnh hay không cần xét nghiệm. Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, đa phần các bệnh nhi nhập viện đều được chẩn đoán lâm sàng.
Còn theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tại phía Nam thường ít thực hiện xét nghiệm virus Adeno vì tốn kém chi phí. Quan trọng hơn, nhiễm virus Adeno hay các bệnh về hô hấp khác về điều trị đều giống nhau, chủ yếu theo triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, giảm ho, thông mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý…
Dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác
Các tổn thương thường gặp nhất do virus Adeno là viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn), viêm bàng quang, viêm não màng não… Bệnh do virus Adeno xuất hiện quanh năm, phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân – hè hoặc thu – đông. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng với trẻ em thường là trẻ 6 tháng đến 5 tuổi. Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp.
Triệu chứng viêm phổi do Adeno rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác. Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus Adeno là bệnh nhân hắt hơi, sổ mũi, sốt. Đặc biệt, viêm phổi do Adeno khiến bệnh nhân sốt rất cao, rét run, có ho, khò khè.
Đánh giá mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe khi nhiễm virus này, PGS Hanh cho biết viêm phổi hay viêm đường hô hấp do virus Adeno là bệnh cấp tính, diễn biến kéo dài và có thể để lại hậu quả nặng nề. Với người khỏe mạnh, bệnh có thể tự khỏi nhưng với những bệnh nhân có bệnh nền hoặc sức đề kháng kém có thể gây suy hô hấp hoặc nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
“Khi bệnh nhân mắc virus Adeno nhập viện sẽ được cách ly, bệnh nhân sốt cao sẽ được dùng hạ sốt kịp thời, phải chống suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh khi có viêm phổi nặng. Tổ chức Y tế thế giới chưa có khuyến cáo dùng thuốc kháng virus cho đồng loạt trẻ nhiễm virus Adeno, vì vậy việc phòng bệnh là chủ yếu” – PGS Hanh nhấn mạnh.
TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn – Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết số ca nhiễm virus Adeno gia tăng phản ảnh thực trạng mầm bệnh đang tồn tại nhiều trong cộng đồng. Nguy cơ nhiều người nhiễm virus Adeno rồi trở thành nguồn nhiễm mới, kể cả nguồn nhiễ m không có triệu chứng là rất cao. Khi trẻ viêm nhiễm đường hô hấp có các biểu hiện tăng nặng như trẻ mệt hơn, ăn kém, thở nhanh, khó thở thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, xác định căn nguyên và điều trị kịp thời.
Chưa có vắc-xin
Bác sĩ Lê Kiến Ngãi cho biết Việt Nam chưa có vắc-xin ngừa virus Adeno, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm; tuân thủ các biện pháp dự phòng thường quy, đồng thời tuân thủ tiêm chủng các vắc-xin phòng bệnh đang sẵn có.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)