Theo Reuters, việc ngừng trợ cấp diễn ra từ ngày 2 đến ngày 9-8 trên địa phận các thành phố thuộc các bang biên giới Tamaulipas, Nuevo Leon, Coahuila, Chihuahua, Sonora và Baja California, bao gồm Tijuana – một trong những cửa khẩu tấp nập nhất thế giới.
Một nhân viên cửa hàng xăng dầu ở Ciudad Juarez, Mexico đổ xăng cho một công dân Texas sau khi giá xăng dầu tại Mỹ tăng mạnh – Ảnh: Reuters
Bộ tài chính Mexico cho biết trong một tuyên bố rằng có sự thiếu hụt xăng dầu do mất cân bằng giữa cung và cầu. Cơ quan này giải thích rằng tại Mỹ giá xăng dầu cao hơn Mexico nên nhiều người đã lái xe qua biên giới để đổ xăng tích trữ sau khi giá nhiên liệu tăng vọt do ảnh hưởng chiến sự Nga – Ukraine.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador từ lâu đã có lời hứa sẽ bảo vệ người tiêu dùng trước sự tăng giá nhiên liệu chóng mặt.
Trong khi đó, tại Sri Lanka, nơi khủng hoảng kinh tế đi kèm với khủng hoảng năng lượng đã xảy ra từ trước khi có chiến sự Nga – Ukraine, tình hình ngày một tồi tệ.
Theo CNN, trong 3 đêm liên tiếp trong tuần lễ này người dân ở thủ đô Sri Lanka đã xuống đường phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất suốt nhiều thập kỷ, trong đó biện pháp cắt điện 10 giờ/ngày và sẽ tăng lên 13 giờ/ngày như “giọt nước tràn ly”.
Xung đột trước dinh Tổng thống Sri Lanka đêm 31-3 vừa qua, cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn – Ảnh: CNN
Và đêm thứ Năm vừa qua, cuộc biểu tình trở nên bạo lực. Người biểu tình giận dữ ném gạch và phóng hỏa bên ngoài tư dinh Tổng thống Sri Lanka Gobabaya Rajapaksa, cảnh sát phải dùng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn.
Sau các cuộc biểu tình, cảnh sát đã áp đặt lệnh giới nghiêm và Tổng thống đã ra lệnh khẩn cấp công khai trên toàn quốc, cho phép chính quyền bắt giữ người dân mà không cần trát. Vào tối thứ 7, Sri Lanka đã tuyên bố lệnh giới nghiêm suốt 36 giờ trên toàn quốc nhưng nhiều người vẫn xuống đường.
Trong tuyên bố mới nhất vào hôm nay, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 664 người vi phạm lệnh giới nghiêm.
Trước đó, người dân Sri Lanka đã phải tiêu tốn nhiều thời gian trong ngày để xếp hàng mua nhiên liệu và khí đốt. Ngoài ra, người dân vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thực phẩm, thuốc men, chi phí hàng hóa cơ bản tăng vọt.
Chính phủ Sri Lanka vẫn đang tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các cường quốc trong khu vực.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)