Hôm nay (7-4), HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021- 2026 sẽ tổ chức kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, ban hành một số chính sách quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội thành phố năm 2022.
Xúc tiến dự án đường Vành đai 3
Dự kiến tại kỳ họp này, UBND TP HCM sẽ trình lên HĐND thành phố một số tờ trình ở lĩnh vực giao thông, đô thị, trong đó có tờ trình về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM. UBND TP HCM đề nghị HĐND TP HCM xem xét ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM và chủ trương bảo đảm thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách thành phố bố trí để thực hiện dự án.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua 4 tỉnh, thành là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công (kết hợp vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương). Chiều dài dự án khoảng 76 km, đầu tư 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2-3 làn xe. Dự án chia làm 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là hơn 75.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2022-2027. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bắt đầu triển khai từ quý III/2022, hoàn thành vào quý IV/2024.
Để đẩy manh tiến độ dự án, UBND TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đã thống nhất kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương để thực hiện. Cụ thể, bố trí ngân sách trung ương theo tỉ lệ 50% tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và 75% tổng mức đầu tư các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Long An. Bốn tỉnh, thành cũng kiến nghị cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương. Về thu hồi vốn đầu tư, 4 tỉnh kiến nghị cho phép thu phí sau khi dự án hoàn thành.
Tại kỳ họp HĐND lần thứ 5, dự kiến UBND TP HCM sẽ có tờ trình về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thu hút nguồn lực cho trạm y tế phường, xã
Tại kỳ họp này, dự kiến UBND TP HCM cũng trình lên HĐND thành phố về các chính sách đặc thù để củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
UBND TP HCM kiến nghị, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế được hỗ trợ 60 triệu đồng trong vòng 18 tháng; điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế được hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng. Với mức hỗ trợ trên, UBND TP HCM dự kiến hằng năm có thể thu hút 300 bác sĩ, 100 điều dưỡng, hộ sinh tham gia chương trình.
Bên cạnh đó, UBND TP HCM cũng kiến nghị chính sách để thu hút đối tượng người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế thực hiện công việc mang tính vụ việc, tạm thời, không thường xuyên để hỗ trợ nâng cao năng lực cho trạm y tế theo chế độ hợp đồng lao động dưới 12 tháng.
Ngoài 2 tờ trình trên, dự kiến UBND TP HCM còn trình lên HĐND thành phố một số tờ trình khác như tờ trình về chủ trương đầu tư dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn; chính sách đặc thù hỗ trợ cho tình nguyện viên tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố…
Nâng chất hoạt động giám sát của HĐND
HĐND TP HCM cho biết tại kỳ họp này, Thường trực HĐND thành phố sẽ trình Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị nhiệm kỳ 2021-2026.
Mục tiêu của đề án là xây dựng HĐND thành phố phải thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động giám sát HĐND cùng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực hiện chương trình, kế hoạch, việc tuân thủ quy định pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nhằm góp phần thúc đẩy, phát huy hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực; góp phần đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở địa phương. Đồng thời cơ quan này thực hiện quyền giám sát trong tình hình mới, các quyền mới được giao và phù hợp trong điều kiện thực hiện tổ chức chính quyền đô thị.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)