Ngay sau thông tin Bình Phước đề xuất Chính phủ làm cầu bắc qua sông Mã Đà để rút ngắn 60 km đi sân bay quốc tế Long Thành, đã xuất hiện tình trạng “sốt đất” trên tuyến đường ĐT 753 (đoạn từ xã Tân Hưng đến ấp Thạch Mang, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước).
Ai dại thì mua, mất tiền ráng chịu
Bắt đầu từ ngày 21-3, dọc hai bên đường ĐT 753, hàng trăm “cò đất”, nhân viên môi giới bất động sản đứng thành từng nhóm, có nhóm còn xếp bàn, ghế ngồi bên lề đường chào mời mua đất. Hàng loạt khu đất vốn là đất nông nghiệp diện tích hàng hécta đã được san phẳng, cắm cọc phân thành các lô nhỏ rao bán.
Nguyễn Anh T., một môi giới bất động sản, cho biết ngay khi có thông tin trên báo chí về việc sẽ xây cầu Mã Đà, sáng sớm 21-3, T. cùng một nhóm bạn từ Bình Dương lên “nằm vùng” tại khu vực này và chỉ trong ngày đầu, T. “lướt sóng” kiếm được hơn 1 tỉ đồng (?!). Theo T., cơn sốt đất ở đây diễn ra chóng vánh trong khoảng 4 ngày. Giá đất ngày 21-3 khoảng 100 triệu đồng/m ngang với chiều dài từ 50-100 m, đến ngày thứ 4 đã tăng vọt lên 250-300 triệu đồng, hiện vào khoảng 300-350 triệu đồng, tùy khu vực. “Theo nhìn nhận của tôi, giá đất hiện tại quá cao so với các khu vực lân cận. Tuy nhiên, người mua thích được nghe “thổi lỗ tai” bằng những viễn cảnh tươi sáng khi cầu Mã Đà hoàn thành nên đã xuống tiền. Nói chung, mình thấy thì thấy nhưng cơ hội đến tay thì phải phất thôi” – Nguyễn Anh T. nói.
Những ngày đầu sau khi có thông tin Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà, hàng trăm người lũ lượt kéo lên đoạn đường ĐT 753 để “săn” đất
Trước đó một ngày, tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, giá đất cũng đã lập đỉnh mới sau khi Thủ tướng Chính phủ tham dự lễ khởi công KCN VSIP III. Trần Thanh H., một nhân viên môi giới bất động sản, cho hay trong bán kính khoảng 5 km, tính từ KCN VSIP III hiện tại giá đất tăng khoảng 20%-30% so với trước Tết. Ở khu vực trục đường lớn, giá tầm 400-500 triệu đồng/m ngang với chiều dài từ 30-40 m, những vị trí nằm ở đường phía trong thì từ 200-300 triệu đồng/m ngang với chiều dài từ 40- 50 m. “Giá tăng cao nhưng mỗi ngày số lượng người đổ về đây xem đất khá nhiều. Trung bình hơn tuần qua, ngày nào tôi cũng kiếm được trăm triệu đồng môi giới” – nhân viên môi giới Trần Thanh H. nói.
Cũng như nhân viên môi giới Nguyễn Anh T., Trần Thanh H. cho rằng với những gì đang diễn ra ở thị xã Tân Uyên thì giá đất hiện tại ở khu vực trên đang được thổi lên quá cao. “Nói chung ai “ôm” vào với hy vọng sẽ sinh lời cao sau này rất dễ “ôm hận” – H. phân tích. Bởi theo H., kể cả khi KCN VSIP III hoàn thành và đi vào sử dụng thì đất xung quanh cũng khó bề lên giá nữa vì các tiện ích xung quanh không nhiều, trong khi mua đất làm nhà cho thuê là thất sách.
Quá nhiều hệ lụy
Sau 2 ngày “sốt đất” trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú đã ra văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra sử dụng đất và hoạt động xây dựng. Theo đó, các trường hợp tự ý mở đường khi chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn cấp huyện và chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, các trường hợp mua bán, sang nhượng, tách thửa quyền sử dụng đất trái phép (đặc biệt khu vực liên quan đến đề xuất dự án trọng điểm của tỉnh như khu vực đường ĐT 753) phải lập hồ sơ xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với trường hợp vi phạm.
Trước đó, các huyện Bù Đăng, Lộc Ninh và TP Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước cũng ra văn bản không được tự ý mở đường khi không có quy hoạch; không để xảy ra tình trạng người dân tự ý mở đường, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước; các địa phương thông tin công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm hạn chế tác động của việc môi giới, quảng cáo sai sự thật về các “dự án ma” trên địa bàn…
Chuyện sốt đất ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) và huyện Đồng Phú (Bình Phước) mới diễn ra nên chưa thấy rõ các hệ lụy nhưng những vụ thổi giá đất trước đó ở Bình Dương và Bình Phước đã để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Minh chứng là sau cơn sốt đất ảo ở huyện Hớn Quản (Bình Phước), khu vực được đồn thổi gần nơi sẽ được xây dựng sân bay thì nhiều khu đất vốn là vườn cây, ao cá đã biến thành những mảnh đất bỏ hoang với đầy cọc bê-tông. Cũng vì bị cuốn vào vòng xoáy mà nhiều người vốn là nông dân sau khi bán đất thấy giá lên đã tiếc lại mua vào với những mong đổi đời thì vướng cảnh nợ nần không lối thoát. “Nghe lời môi giới, tôi mua vào 3 lô đất với hy vọng chỉ sau 1 tháng sẽ lãi khoảng 300-400 triệu đồng. Vậy mà…” – ông Lê Văn Th. (một nông dân ngụ huyện Hớn Quản) nói. “Từ đây đến cuối tháng mà bán ra không được là chủ nợ xiết hết đất và nhà cửa” – ông Th. lo lắng.
Trở lại chuyện sốt đất ở huyện Đồng Phú, theo quan sát đây vốn là vùng quê nghèo của tỉnh Bình Phước, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, việc xẻ đất để bán tống bán tháo khiến họ có nguy cơ không còn đất để canh tác. Nguy hiểm hơn, nhiều diện tích đất vốn là đất canh tác thì giờ đã thành đất lô, đất nền trong khi những lô đất này khó có thể xây dựng được bởi là đất nông nghiệp – điều này đồng nghĩa với việc nhiều diện tích lớn đất nông nghiệp sẽ bị bỏ hoang kéo dài.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, cò đất lợi dụng thông tin quy hoạch chủ yếu nhằm mục đích kiếm lợi nhuận thật cao trong thời gian thật ngắn. Người mua cần phải bình tĩnh, đừng mù quáng nghe theo lời người môi giới khi chưa tìm hiểu rõ. Bởi khi nhà đầu tư đi trước đã chốt lời, đội cò đất rút đi, giá tụt không phanh và không có giao dịch thì rủi ro, thiệt thòi hoàn toàn thuộc về người mua cuối.
Đề xuất xây cầu Mã Đà đã bị Đồng Nai từ chối nhiều lần
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thông tin xây cầu Mã Đà chỉ mới là đề xuất của Bình Phước. Phía tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần từ chối đề xuất của Bình Phước, vì cho rằng việc làm tuyến đường đi xuyên vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào năm 2011 cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)