Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 19 và 20-10 tại TP Hà Nội, dự kiến thu hút hơn 1.000 đại biểu với hơn 50 diễn giả, trong đó có gần 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 nền kinh tế là những cường quốc về công nghệ blockchain trong khu vực và thế giới như: UAE, Singapore, Malaysia, Mỹ, Hàn Quốc…
Báo cáo của MarketsandMarkets ghi nhận thị trường liên quan blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỉ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021. Trong số top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới có 7 doanh nghiệp do người Việt thành lập. Việt Nam cũng là 1 trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD và đã xuất hiện những start-up “kỳ lân” của Việt Nam trong lĩnh vực này. Việt Nam vốn có nhiều lợi thế về công nghệ thông tin nên cũng có thế mạnh về blockchain. Đặc biệt là Việt Nam có không ít nhân tài về lập trình, trí tuệ nhân tạo (AI)… vốn là cơ sở để phát triển blockchain.
Do đặc thù của mình, trước nay blockchain bị gán, thậm chí đồng hóa với các loại tiền ảo, tiền điện tử mà đầu tàu là bitcoin. Trong những năm gần đây, blockchain cũng nổi đình đám chủ yếu với xu hướng thị trường tài chính phi tập trung (DeFi) và các trò chơi trực tuyến (GameFi). Đến năm 2022, thị trường blockchain toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng chuyển hướng mạnh mẽ sang sáng tạo các nền tảng công nghệ blockchain phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Thật ra lâu nay, giới chuyên môn đã rạch ròi rằng blockchain là một nền tảng công nghệ mới được phát triển trong giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là một thành phần trong kỷ nguyên của vũ trụ ảo (metaverse), trí thông minh nhân tạo thế hệ tiếp theo, web 3.0… Vì vậy, các loại tiền điện tử hay game chỉ là những sản phẩm đầu tiên ứng dụng nền tảng công nghệ blockchain. Tiềm lực và tiềm năng của blockchain là vô cùng rộng lớn.
Theo Investopedia, mục tiêu của blockchain là cho phép thông tin kỹ thuật số được ghi lại và phân phối nhưng không bị chỉnh sửa. Theo cách này, blockchain là nền tảng cho các sổ cái bất biến hoặc những bản ghi của các giao dịch không thể thay đổi, xóa hoặc phá hủy. Tập đoàn công nghệ Mỹ IBM giải thích về tầm quan trọng của blockchain: Doanh nghiệp hoạt động dựa trên thông tin. Nó được nhận càng nhanh và càng chính xác thì càng tốt. Blockchain là lý tưởng để cung cấp thông tin đó vì cung cấp thông tin ngay lập tức, được chia sẻ và hoàn toàn minh bạch được lưu trữ trên một sổ cái bất biến chỉ có thể được truy cập bởi các thành viên mạng được ủy quyền. Một mạng blockchain có thể theo dõi đơn đặt hàng, thanh toán, tài khoản, sản xuất…
Vì vậy, bên cạnh việc thay đổi và nâng cao nhận thức về blockchain, Việt Nam cần có hành lang pháp lý hữu hiệu để tạo điều kiện cho blockchain phát triển đúng hướng, đem lại lợi ích cho xã hội.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)