Hơn 7 tỷ đồng một bó hoa… 100 lượng vàng. Bao nhiêu phụ nữ xuýt xoa khi một phụ nữ được chồng tặng bó hoa ấy, nhất là hình ảnh bó hoa xuất hiện, lan truyền đúng ngày vàng lập đỉnh 74 triệu đồng một lượng? Giữa những tiếng xuýt xoa có cả tiếng thở dài. Xuýt xoa thì khỏi nói, còn thở dài, tại sao?
Lãng mạn đúng là tùy “khẩu vị” của mỗi người (Ảnh minh họa)
Tình yêu có cần tiền không? Lãng mạn mà quy ra tiền thì có còn là lãng mạn? Giá trị tinh thần (hoa) có trị giá hơn 7 tỷ đồng sẽ thành giá trị vật chất hay vẫn đạt hiệu quả lãng mạn? Tôi không có câu trả lời nhưng xem những gì dân tình xuýt xoa thì chắc là nó được chào đón.
Có phụ nữ nào, vào ngày 8/3, nhận được bó hoa như thế mà không cười tít mắt? Vậy là các nhà sáng tạo quà tặng 8/3 đã thành công trong việc lai tạo giữa chủ nghĩa lãng mạn với thực tế vật chất. Bó hoa này, người lãng mạn cũng thích, kẻ thực tế càng hân hoan. Ai bảo lãng mạn không đi cùng no đủ? Ai bảo những thứ kim tiền không thể làm nên điều lãng mạn?
Nhiều năm trước, trên thị trường quà tặng xuất hiện những phong sô-cô-la vỏ in tiền, rồi giờ là hoa polymer, những bông hồng khoác áo bọc polymer hay những tờ polymer gấp thành hoa, tim… Đến năm nay là bó hoa 100 lượng vàng. Tặng tiền chưa bao giờ lãng mạn đến thế và chắc chắn hơn đứt việc thảy vài xấp tiền cho bạn gái, vợ. Có lẽ bởi vậy mà nhiều shop hoa đã bắt đầu triển khai dịch vụ hoa tiền, hoa vàng thế này. 8/3 nào cũng khiến dân tình share (chia sẻ) điên đảo, nhưng hình như tôi vẫn thấy nhiều tiếng thở dài.
Không! Tôi không nghĩ tiếng thở dài đó bắt nguồn từ việc chồng/bạn trai họ không tặng được cho họ những bó hoa như thế. Tôi cũng không nghĩ người ta thở dài vì đố kỵ. Họ thở dài vì bó hoa đó đang truyền tải sự phô trương và hình thức. Nó giống “trưởng giả học làm sang” nhiều hơn là sự lãng mạn đúng nghĩa.
Lãng mạn không “kỵ rơ” với tiền bạc. Để tạo ra sự lãng mạn đôi khi cần rất nhiều tiền tổ chức, sắp đặt. Thứ lãng mạn “kỵ rơ” chính là sự phô trương, hình thức khi người tạo ra sự lãng mạn hoành tráng chỉ để thiên hạ phải một phen trầm trồ chứ không phải để chạm đến tim người nhận.
Một bó hoa tiền hay một bó hoa vàng có khi chỉ để chứng tỏ mình đủ khả năng sở hữu nó và tặng nó. Nếu thế, thông điệp của món quà, dù có ép thế nào vẫn chẳng ra nổi sự ấm áp. Có cảm giác dân tình đua nhau chia sẻ câu chuyện đó như sự lạ thay vì xem như một câu chuyện lãng mạn.
Tình yêu có cần tiền không? Lãng mạn mà quy được ra tiền thì có còn lãng mạn? Khoác lên sự lãng mạn bằng vàng và tiền thì sự lãng mạn đó có tạo ra sự đồng cảm? Có lẽ tranh luận ấy không bao giờ ra được câu trả lời chính xác bởi đâu phải hành động lãng mạn nào cũng áp dụng được cho tất cả mọi người.
Việc của trái tim thì chỉ trái tim mới trả lời được. Như một người chồng được thưởng 500.000 đồng về đưa hết cho vợ cũng thành sự lãng mạn. Như 8/3 chồng chở vợ đi ăn đồ vỉa hè cũng thành lãng mạn. Lãng mạn đúng là tùy “khẩu vị” của mỗi người. Biết đâu bó hoa tiền, hoa vàng lại chạm đúng gu của người vợ nọ? Chỉ là đừng biến nó thành cuộc trình diễn. Đừng trở thành spotlight để chứng tỏ ta đây lãng mạn với vợ.
Cuối cùng, điều lãng mạn chúng ta có thể làm cho nhau chỉ có thể được ghi nhận bởi chính người nhận chứ chẳng phải những lời trầm trồ trên mạng. Vì thế, hỡi phụ nữ, nếu chồng bạn, bạn trai bạn không tặng bạn bó hoa 100 lượng vàng, xin hãy đừng vì thế mà thở dài. Xin hãy ghi nhận sự lãng mạn đừng trên giá trị đồng tiền, vậy thôi!
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)