Vừa qua, Bệnh viện FV đã tiến hành phẫu thuật ghép giác mạc bên mắt phải cho bệnh nhi 14 tuổi. Em bị giác mạc chóp bẩm sinh mắt phải, đây là tình trạng lồi ra của giác mạc, tạo thành giác mạc hình chóp hay giác mạc hình nón. Khả nặng bị mù vĩnh viễn rất cao nếu không kịp thời phẫu thuật ghép giác mạc.
GS-BS Donald Tan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Giác mạc Thế giới, người trực tiếp tiến hành ca mổ cho bệnh nhi, cho biết trước khi ghép giác mạc mắt của em đã rất mờ, gần như không còn nhìn thấy. Bệnh nhi phải thay cả giác mạc để hồi phục thị lực.
GS – BS Donald Tan (bên phải) đang thực hiện ghép giác mạc cho bệnh nhân tại Bệnh viện FV. Ảnh: BVCC
Theo GS Tan, một ngày sau mổ, mắt của em đã dần hồi phục. Lần tái khám đầu tiên, 5 ngày sau phẫu thuật, thị lực của em là 2/10. Thị lực hiên tại đang hồi phục rất tốt, và dự đoán sau khi hồi phục hoàn toàn, thị lực sẽ là 7-8/10.
“Bệnh lý bẩm sinh giác mạc chóp của bệnh nhi là rất hiếm gặp, do dịch bệnh Covid-19 nên kéo dài thời gian thay giác mạc. Do đó, đây là ca khó khi phẫu thuật, cả ê kíp đã cố gắng hết sức để cứu thị lực cho trẻ” – GS Tan chia sẻ.
Ngoài bệnh nhi này, GS Tan đã tiến hành ghép giác mạc cho 6 ca cần ưu tiên ghép giác mạc khẩn. Còn 93 ca có bệnh lý về giác mạc như viêm loét giác mạc, loạn dưỡng giác mạc, giác mạc chóp hoặc sẹo giác mạc do tổn thương… phải tạm hoãn ghép vì thiếu giác mạc.
Nói về thực trạng nguồn giác mạc khan hiếm trong khi nhu cầu ghép giác mạc tại Việt Nam rất lớn, bác sĩ Donald Tan cho biết lượng giác mạc hiến tặng trên thế giới hiện không thiếu nhưng lại đang thiếu chất bảo quản giác mạc để vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam. Thời gian tới, ông cùng cộng sự sẽ cố gắng nghiên cứu đưa thêm các kỹ thuật mới về Việt Nam để có thể điều trị một số các bệnh lý về giác mạc mà không cần phải phụ thuộc vào nguồn giác mạc thay thế.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)