Ngành chăn nuôi Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nên khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, kéo giá thành sản xuất tăng. Trong khi đó, nguồn phụ phẩm nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, hoàn toàn có thể trở thành “kho thức ăn” khổng lồ cho ngành chăn nuôi nếu biết cách khai thác.
Lãi lớn từ phụ phẩm
Là doanh nghiệp (DN) mới tham gia chăn nuôi heo gần đây nhưng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã gây chú ý trong dư luận với mô hình “heo ăn chuối” ở quy mô công nghiệp khi đặt mục tiêu xuất chuồng 1 triệu con heo vào năm 2023 (khoảng 2.700 con/ngày). Chủ tịch HĐQT HAGL Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) xem đây là “bí kíp” để có thể đưa HAGL đạt mức lợi nhuận “ngàn tỉ đồng” mỗi năm, giúp ông tự tin trả được nợ và đưa tập đoàn trở lại thời hoàng kim. Chỉ riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, HAGL đã đạt doanh thu 2.260 tỉ đồng, lợi nhuận 657 tỉ đồng, tăng gấp nhiều lần cùng kỳ năm trước và hoàn thành 58% kế hoạch cả năm 2022.
Cũng trong thời gian này, HAGL đã xuất chuồng 106.000 con heo thịt, tương đương hơn 500 con/ngày, không chỉ tạo ra doanh thu cho mảng chăn nuôi mà còn nguồn thu từ cây ăn trái cũng rất lớn, cụ thể là chuối. Trong báo cáo công bố giữa tháng 8, HAGL cho biết đã xuất bán hơn 38.500 tấn chuối dùng cho sản xuất thức ăn gia súc.
Theo kỹ sư Trần Văn Dai, thành viên độc lập HĐQT HAGL, quả chuối có rất nhiều dưỡng chất như: tinh bột, đường, kali, vitamin và các chất xơ nên không chỉ tốt cho người mà còn vật nuôi. Từ đặt hàng của bầu Đức là “làm sao heo có thể ăn được chuối”, bởi nguồn chuối loại sau tuyển chọn để xuất khẩu của HAGL quá nhiều, lên đến cả 100.000 tấn/năm, ông đã phải dày công nghiên cứu ra mô hình “heo ăn chuối”, chưa có nơi nào trên thế giới từng làm.
Cụ thể, kỹ sư Trần Văn Dai đã tìm ra công thức sản xuất thức ăn từ nguyên liệu quả chuối, kết hợp cùng thảo dược tự nhiên thay thế kháng sinh giúp heo mau lớn và thịt thơm ngon hơn. Việc sử dụng bột chuối làm thức ăn cho heo đã giúp HAGL giảm lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần nhập và còn giúp giá thành heo hơi rẻ hơn thị trường khá nhiều. Nhờ đó, HAGL đã tự tin tham gia thị trường thịt heo thương hiệu mang tên Bapi với các sản phẩm tươi (dạng mát) và thực phẩm chế biến từ thịt heo ra mắt đầu tháng 8 vừa qua.
Từ thành công của mô hình “heo ăn chuối”, HAGL đang phát triển tiếp mô hình “gà ăn chuối” với giống gà ta Bình Định nổi tiếng với quy mô 100.000 con trên diện tích 2 ha ở huyện Mang Yang (Gia Lai). Dự kiến, “gà ăn chuối” HAGL sẽ ra mắt thị trường vào tháng 11 cùng với dạng sản phẩm tươi sau giết mổ và một số sản phẩm chế biến như: gà ủ muối, gà xông khói…
Tại Đồng Nai, gần đây xuất hiện mô hình chăn nuôi bò thịt bằng phụ phẩm rau quả của ông Nguyễn Văn Ngọc (hội viên Hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai), quy mô khoảng 200 con. Ông Ngọc cho biết nguồn thức ăn cho bò được ông thuê gom từ các nhà máy chế biến rau quả và chợ đầu mối nông sản. “Tất cả vỏ mít, vỏ dứa, xác mía, vỏ xoài, thanh long,… đều là thức ăn yêu thích của bò. Nếu không được tận dụng, nguồn tài nguyên này bị xem là “rác”, có thể gây ô nhiễm, nhà nước lại tốn tiền chôn hoặc đốt rất lãng phí. Nếu được tổ chức phân loại và sử dụng hợp lý sẽ giúp phát triển ngành chăn nuôi đại gia súc” – ông Ngọc kiến nghị.
Chuối loại sau tuyển chọn xuất khẩu là nguồn thức ăn giá rẻ cho heo của HAGL
Thịt heo mắc như thịt bò
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sơn, chủ trang trại Nam An Farm (Bình Dương), đã phát triển mô hình nuôi heo rừng lai theo kiểu chăn nuôi truyền thống từ năm 2014, quy mô vài con, nhờ có hiệu quả, đến nay đã tăng đàn lên gần 6.000 con. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi này nói không với thức ăn công nghiệp mà sử dụng thức ăn thô như: rau trồng tại chỗ và mua thêm bắp, cám, tấm, đậu nành, bột cá… nên thời gian nuôi kéo dài lên đến 10-12 tháng, giá thành lên đến 100.000 đồng/kg heo hơi.
Hiện thịt heo rừng lai của Nam An Farm có giá tương đương thịt bò và được thị trường đón nhận tốt, mỗi ngày trang trại giết mổ khoảng 30 con.
Theo anh Nguyễn Văn Sơn, do chọn khởi nghiệp ở thị trường ngách nên quy mô không lớn, hiện trang trại không tăng đàn mà tiếp tục cải tiến quy trình, phát triển sản phẩm chế biến để gia tăng lợi nhuận.
TS Nguyễn Văn Bắc, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực Nam Bộ (Trung tâm Khuyến nông quốc gia), cho biết ngành khuyến nông đã có nhiều giải pháp giúp nông dân chăn nuôi hiệu quả trước áp lực giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng. “Đối với chăn nuôi gia súc lớn đã có định hướng chuyển đổi các vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ voi hay trồng bắp lấy thân làm thức ăn cho trâu, bò. Với chăn nuôi heo, gà, nông dân ở những vùng gần với nhà máy xay xát lúa gạo thay vì mua 4 bao thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh có thể chỉ cần mua 1 bao thức ăn đậm đặc về tự phối trộn với phụ phẩm tấm, cám gạo với giá rẻ ở địa phương để có giá thành thấp. Đặc biệt, hiện nay có men vi sinh làm chín tinh bột, giúp vật nuôi tiêu hóa thức ăn tốt, giảm lượng thức ăn tiêu tốn, cũng là cách hạ giá thành” – TS Nguyễn Văn Bắc nói.
Theo Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chi 3,1 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, riêng bắp và đậu nành là 2,7 tỉ USD; còn lại là khô dầu, lúa mì, bột cá, bột xương, đạm động vật, hỗn hợp vi lượng. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều con giống, thuốc thú y từ nước ngoài để phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, điểm sáng là giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam (thịt, sữa) gần đây giảm nhờ sản phẩm sản xuất trong nước có chất lượng và giá cả cạnh tranh tốt với hàng nhập. Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chi 2,1 tỉ USD để nhập khẩu thịt, sữa…, giảm 10% so với cùng kỳ 2021.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)