Chương trình “Mai vàng nhân ái” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng Nam Á đã đến thăm PGS-TS – nhà giáo ưu tú (NGƯT) Trần Hữu Tá vào sáng 23-9.
Thay mặt chương trình, ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao cho bà Dương Thị Ngọc Diệp, vợ của PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá, số tiền 10 triệu đồng. Ngoài ra, ông Bùi Thanh Liêm còn gửi tặng gia đình tờ Báo Người Lao Động có đăng bài viết “Được làm học trò của thầy Trần Hữu Tá” do tác giả Vu Gia thực hiện, tham gia cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”.
“Mong rằng, ở thời điểm thích hợp, cô sẽ đọc bài viết “Được làm học trò của thầy Trần Hữu Tá” để thầy nghe. Chương trình “Mai Vàng nhân ái” có phần quà hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ, giáo viên lớn tuổi để động viên, bày tỏ tình cảm thương yêu, kính trọng” – ông Bùi Thanh Liêm bày tỏ.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao quà hỗ trợ của Chương trình “Mai Vàng nhân ái” và tờ Báo Người Lao Động có đăng tải bài viết “Được làm học trò của thầy Trần Hữu Tá” cho bà Dương Thị Ngọc Diệp
Bài viết “Được làm học trò của thầy Trần Hữu Tá” do tác giả Vu Gia thực hiện, tham dự cuộc thi viết “Người thầy kính yêu”
Theo bà Dương Thị Ngọc Diệp, PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá bị bệnh từ 5 năm qua. Bà vẫn thường trò chuyện, kể cho ông nghe về những người đã đến thăm, những chuyện vui buồn trong ngày. Ông không nói được nhưng vẫn có thể nghe và vui với những chuyện được bà kể. Do ông chưa được tiêm ngừa Covid-19 nên việc phòng bệnh được ưu tiên hàng đầu, người đến thăm chỉ có thể đứng bên ngoài cửa kính, nhìn vào phòng.
“Tôi rất xúc động, vui sướng khi thỉnh thoảng bạn bè, học trò, những người yêu quý ông đến thăm hỏi, động viên. Hôm nay, Báo Người Lao Động đến thăm mà lại đến đông như thế, tôi rất xúc động. Tôi sẽ kể cho ông ấy nghe và cho con cháu mình nghe về chuyến thăm này. Tôi cảm nhận, tình cảm anh em, bạn bè sống và làm việc với nhau không khác gì tình cảm anh em trong nhà” – bà Dương Thị Ngọc Diệp bộc bạch.
PGS-TS-NGƯT Trần Hữu Tá sinh năm 1937 tại Hưng Yên, theo học Trường Đại học sư phạm Hà Nội từ năm 1956 đến 1959. Ông từng là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau năm 1975, ông chuyển vào Nam và làm Trưởng Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TP HCM.
Về sau, ông còn là nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP HCM. Ông là chủ biên sách giáo khoa văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa văn lớp 12, tác giả nhiều cuốn sách văn học cùng các bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng tải trên nhiều báo. Ông đóng góp cả đời cho nền giáo dục nước nhà.
PGS-TS- NGƯT Trần Hữu Tá (giữa) trong bức ảnh kỷ niệm
Album gia đình lưu trữ nhiều hình ảnh của ông
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)