Trang chủ Văn hóaVăn học Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương

Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương

bởi Linh

Ông Bùi Phan Thảo – Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động (cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM), đã đại diện trao cho mỗi nhà văn số tiền 5 triệu đồng. Đồng hành với đoàn Báo Người Lao Động trong buổi trao tặng còn có nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu – con gái của thi sĩ Nguyễn Bính, Phó ban Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn TP HCM và nhà thơ Phạm Trung Tín, Ủy viên Ban Tổ chức Hội viên Hội Nhà văn TP HCM.

Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương - Ảnh 1.

Ông Bùi Phan Thảo – Thư ký Tòa soạn Báo Người Lao Động (bìa phải) cùng nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, nhà thơ Phạm Trung Tín đến thăm nhà văn Thạch Cương

Bày tỏ với đoàn, nhà văn Thạch Cương cho biết: “Sức khỏe của tôi càng ngày càng yếu, không đi đâu được, chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhà văn thường cô đơn, một mình với trang sách. Hôm nay, Báo Người Lao Động đến thăm là sự ấm áp, nguồn động viên lớn để chúng tôi cố gắng viết, hoàn thành trách nhiệm của mình. Thật ra, đây là điều tự mình đặt ra thôi chứ không ai yêu cầu nhưng đã là nhà văn thì phải lao động. Một khi lao động của nhà văn được cơ quan báo chí quan tâm đến thì đó là nguồn động viên to lớn. Tôi đã từng là nhà báo rồi mới trở thành nhà văn nên tôi rất cảm động, biết ơn sự quan tâm của Chương trình “Mai vàng nhân ái”, của Báo Người Lao Động, tôi cảm thấy được động viên, tiếp thêm sức lực”.

Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương - Ảnh 2.

Nhà văn Thạch Cương ký tặng hai tác phẩm “Đất thở”, “Bản ballad trong rừng cao su” tặng lại cho ông Bùi Phan Thảo

Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương - Ảnh 3.

Khoảnh khắc trao tặng sách

Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương - Ảnh 4.

Nhà văn Thạch Cương vẫn miệt mài lao động sáng tác dù tuổi cao, bệnh hiểm nghèo

Nhà văn Thạch Cương tên thật là Đặng Đức Thưởng, sinh năm 1937, quê quán ở Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông tốt nghiệp khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1963, dạy học ở Hải Phòng. Năm 1965 ông đi “B”, vào viết báo, viết văn ở khu Sài Gòn – Gia Định và làm báo Văn nghệ Giải Phóng. Những tác phẩm đã xuất bản của ông có: “Những ngôi sao trên bầu trời ven đô”; “Bão táp”; “Tấn công”; “Vành đai sân dù”; “Vượt dốc”; “Xóm Bàu”, “Đường vào chiến khu D”; “Bản ballad trong rừng cao su”; “Đất thở”… 

Truyện ngắn “Ông già giữ đất” của ông được Cục chính trị Quân giải phóng miền và tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng trao giải thưởng năm 1973. Tác phẩm “Đất thở” được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật TP HCM 5 năm lần thứ nhất (2006-2011).

Dù tuổi cao lại mắc bệnh ung thư, nhà văn Thạch Cương vẫn lao động miệt mài. Ông hoàn thành tiểu thuyết “Mưa lẻ” vào tháng 7-2021 và đang chờ xuất bản.

Trong khi đó, nhà văn Trúc Phương tâm sự: “Tôi rất vui khi được Báo Người Lao Động và đại diện Hội Nhà văn TP HCM đến thăm. Tôi bất ngờ nghĩ anh em đến thăm chứ không nghĩ được nhận quà động viên, hỗ trợ của Chương trình “Mai vàng nhân ái”. Tôi cảm động, hạnh phúc và cảm ơn rất nhiều!”.

Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương - Ảnh 5.

Ông Bùi Phan Thảo (thứ hai từ phải sang), cùng nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, nhà thơ Phạm Trung Tín đến thăm nhà văn Trúc Phương

Mai Vàng nhân ái thăm nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương - Ảnh 6.

Ông Bùi Phan Thảo (thứ hai từ phải sang) trao tặng tiền hỗ trợ của chương trình “Mai Vàng nhân ái” cho nhà văn Trúc Phương

Nhà văn Trúc Phương tên thật Nguyễn Minh Nghiệp, sinh năm 1951, quê ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ông tham gia cách mạng từ 1965, từng là đội trưởng đội trinh sát vũ trang an ninh thị xã Vĩnh Long. Từ 1975-1983, ông học trường Tuyên huấn Trung ương, trường Viết văn Nguyễn Du. Từ 1988-1997, ông là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Cửu Long và Vĩnh Long. Từ 1997, ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin TP HCM. 

Những tác phẩm của ông đã xuất bản có: “Cây sầu đông sinh đôi”; “Bóng biển”; “Bình minh trong đêm”; Bên dòng sông thơ mộng”; “Cây bời lời bông trắng”; “chân dung của đất”; “Trường ca: Những hạt cát không tên”; “Bóng biển”; “Địa đàng đỏ”… Ông được trao giải ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam với tác phẩm “Dốc chiều hôm” năm 1995. Tác phẩm “Người anh hùng chân đất” của ông được Bộ Quốc phòng trao giải ba.

Tương tự nhà văn Thạch Cương, nhà văn Trúc Phương cũng đang chống chọi bệnh ung thư nhưng vẫn không ngừng lao động nghệ thuật. Ông đã hoàn thành tác phẩm “Trường ca: Từ hai phía mặt trời” dài 7 tập, đang mong mỏi được xuất bản.

Đại diện Chương trình “Mai vàng nhân ái” và các nhà văn đến thăm hai nhà văn Thạch Cương, Trúc Phương bày tỏ tình cảm trân trọng, quý mến, ghi nhận những đóng góp lớn của các nhà văn cho nền văn học, động viên và chúc sức khỏe của các nhà văn.

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

Có thể bạn quan tâm