Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã trao tặng số tiền hỗ trợ của chương trình “Mai Vàng nhân ái” (5 triệu đồng) cho NSƯT giảng viên thanh nhạc Mỹ An.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (đứng bìa trái) đại diện chương trình “Mai Vàng nhân ái” trao tặng hỗ trợ cho NSƯT giảng viên thanh nhạc Mỹ An.
NSƯT Mỹ An tên thật là Ngô Thị Liễu, sinh ngày 15-11-1943 tại Bà Rịa – Vũng Tàu; năm 15 tuổi, bà theo gia đình tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện, bà vào chiến khu tham gia Đài Phát thanh Giải phóng, biểu diễn văn nghệ phục vụ cán bộ – chiến sĩ miền Nam. Bà được giới chuyên môn đánh giá cao về chất giọng trữ tình, đầy truyền cảm.
“Giọng hát điêu luyện, cách hát đầy nhiệt huyết mang ngữ điệu miền Nam rất ấn tượng. Thời đó chúng tôi tập kết ra miền Bắc, nghe chị Mỹ An hát đã thấy tự hào vì giọng hát miền Nam đầy khí thế của chị” – NSƯT Lê Thiện chia sẻ.
Thời kỳ tham gia đài phát thanh, NSƯT Mỹ An gặp gỡ, cảm mến rồi lập gia đình với Giáo sư – nhạc sĩ Ca Lê Thuần – một trong những nhà soạn nhạc và nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng.
Giáo sư – nhạc sĩ Ca Lê Thuần và NSƯT Mỹ An (Ảnh: THANH HIỆP)
Sau ngày đất nước thống nhất, NSƯT Mỹ An được cử sang tu nghiệp tại Bulgaria rồi trở về quê nhà tham gia gây dựng khoa Thanh nhạc Nhạc viện TP HCM với vị trí Phó khoa.
Bà được xem là cánh chim đầu đàn của Khoa Thanh nhạc và là giảng viên kỳ cựu của Nhạc viện TP HCM. Bà đã từng đào tạo nhiều ca sĩ tên tuổi của phía Nam như: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Vân Khánh, Anh Bằng, Ngọc Tuyền, Lam Trường, Đan Trường, Thu Minh, Thanh Thảo, Nguyễn Phi Hùng, Thu Giang, Thanh Thủy, Thu Thủy, Cao Thúy Vy, Lương Chí Cường, Việt Quang…
Bà đã từng thực hiện bản ghi âm trong thời hoàng kim mang tên “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn”. Bài hát sáng tác năm 1968, sau chiến dịch Mậu Thân, với phần lời của liệt sĩ – nhà thơ Lê Anh Xuân (cũng là em trai của Giáo sư – nhạc sĩ Ca Lê Thuần – PV). Bản thu thực hiện khoảng đầu 1970 (dihavina phát hành năm 1972), với sự thể hiện của NSƯT Mỹ An thời trẻ cùng dàn nhạc đài Phát thanh Giải phóng.
Từ khi Giáo sư – nhạc sĩ Ca Lê Thuần qua đời, bà ở với một người cháu, con gái thì đang sinh sống tại Bỉ. “Hiện nay tôi đã nghỉ hưu, song vẫn có không ít bạn trẻ cần hỏi về kiến thức chuyên môn và tôi luôn sẵn lòng truyền đạt” – NSƯT Mỹ An tâm huyết.
Đại diện chương trình “Mai Vàng nhân ái” thắp hương tại bàn thờ cố Giáo sư – nhạc sĩ Ca Lê Thuần
Đón nhận món quà của chương trình “Mai Vàng nhân ái”, NSƯT Mỹ An cho biết: “Cảm ơn sự quan tâm của Báo Người Lao Động và chương trình “Mai Vàng nhân ái”. Món quà này tiếp thêm năng lượng để tôi tiếp tục đồng hành với thế hệ giảng viên thanh nhạc trẻ. Tôi được biết “Mai Vàng nhân ái” đã đến thăm nhiều văn nghệ sĩ trên mọi miền đất nước, gắn kết những yêu thương thật là ý nghĩa. Chúc chương trình thành công và lan tỏa rộng hơn nữa”.
Từ đầu năm 2022 đến nay chương trình “Mai vàng nhân ái” do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã đến thăm và trao tiền hỗ trợ cho 46 văn nghệ sĩ tại TP HCM, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Kon Tun…
Tại TP HCM, chương trình đã đến thăm: NSND Đặng Hùng (biên đạo múa, nhà nghiên cứu nghệ thuật múa Chăm), nghệ nhân múa bóng rỗi Nguyễn Thành Hiếu, nghệ sĩ Điền Tử Lang, tác giả – đạo diễn Hải Bằng, nghệ sĩ Tài Bửu Bửu, đạo diễn Tường Phương, nhà giáo ưu tú Xuân Hiểu, nhà giáo – nghệ sĩ Thanh Tùng, nhà giáo ưu tú – đạo diễn Nguyễn Văn Phúc, nghệ sĩ Văn Hường, nhạc sĩ Trương Minh Châu, nhạc sĩ – nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Ngọc Sơn, nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ Công Minh, nghệ sĩ xiếc Đông Mai, NSƯT Trường Sơn, nghệ sĩ Kiều Loan, nghệ sĩ Kim Phía, nghệ sĩ hát bội Ngọc Hạnh, nghệ sĩ Phương Ánh, nghệ nhân Thanh Hương (ca trù), nhà giáo – nghệ sĩ Kim Loan, các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Hiên, Phạm Minh Tuấn, Trần Xuân Tiến, Thế Hiển, tác giả Đăng Minh, giáo sư – nhạc sĩ Thế Bảo, tác giả Trương Huyền, đạo diễn Thanh Hạp…
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)