Chị vừa nói vừa cười, tay thoăn thoắt sắp mấy thứ đồ cho vào túi rồi ấn vào tay anh, tránh ánh nhìn thẳng. Chị biết ánh mắt hiền lành đó đang rất băn khoăn, bối rối.
– Nhớ bảo cho con bé uống vitamin D đầy đủ anh nhé. Bận gì cũng không được quên đâu.
– Em, hay em đi cùng anh.
– Thôi anh là cha và… chị dừng lại.
– Em đừng nghĩ thế…
– Thôi anh đi đi, đi rồi về anh nhé.
Chị ủn chồng ra khỏi cửa thật nhanh. Chờ cho bóng anh chầm chậm rồi khuất hẳn. Chị ngồi đó, trân trân nhìn vào bức tường im lặng, những giọt nước mắt mặn mòi cứ lặng lẽ lăn dài bên khóe mắt long lanh.
***
Anh, người gốc miền núi, ngoại hình rắn rỏi, tính tình giản dị hiền lành chịu khó. Vốn dân học nghề bên Tiệp, bấu víu tìm hướng ở lại Đức bằng nhiều cách mà nghe chừng mờ mịt. Chị dân kiều, bố từng làm việc cho chính quyền Sài Gòn. Sau giải phóng, gia đình đến Đức được cấp giấy định cư lâu dài.
Chị tuy không thuộc diện quá xinh nhưng đôi má lúm đồng tiền và nụ cười tỏa nắng của chị đủ hút hồn người đối diện.
Trong mắt anh, chị có giá cao lắm. Cái giá sẽ đem lại cho anh – một thằng lúc nào cũng nơm nớp lo bị tống về, một tương lai màu nắng và một gia đình hạnh phúc.
Ngày chị gặp anh, mùa hoa anh đào nở đầy trên lối. Thấy anh cứ mân mê từng cánh hoa rơi, tay không dám nắm, ánh mắt rụt rè chân thành của chàng trai miền núi, tim chị xốn xang, xao động. Trong lòng chị như có một lời mách bảo đó sẽ là người đàn ông bao bọc, che chở cho chị suốt cuộc đời này. Đám cưới được gia đình tác thành như một cách cho anh có cơ hội ở lại.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Ơn nghĩa của chị, sự chân thành tận tụy của anh bồi đắp cho bức tường ân tình của hai người ngày càng dày lên kiên cố. Ba đứa con gái xinh xắn, đều học trường chuyên, niềm tự hào hãnh diện cho bố mẹ.
Anh là thợ xây. Vốn bản tính cần cù chịu khó học hỏi nên mọi việc kiến thiết cho một ngôi nhà anh làm được hết. Mấy ông chủ thầu đều thích có anh. Ngoài giờ làm, anh lại nhận thêm việc sửa chữa tại tư gia nên chả mấy chốc anh mua được nhà riêng, mua được cửa hàng cho người ta thuê lại. Phải nói đúng anh là một cái máy kiếm tiền chân chính, đâu dễ tìm trong đám đàn ông Việt ít ỏi ở xứ này.
Anh không bắt chị đi làm. Ở nhà chăm ba đứa con, đưa đi đón về, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa là chị đủ vất vả rồi. Chị đi làm, anh lại thu nhập cao, nhà nước trừ thuế rất nặng, không bõ. Con cái không ai quản lý rất dễ sinh hư. Chị an phận, bằng lòng với cuộc sống và với sắp xếp đúng đắn đó, để anh toàn tâm trong công việc.
Những tưởng hạnh phúc giản dị cứ bình yên mà trôi, như số phận đã an bài với gia đình chị. Vậy mà mới hơn 40 tuổi, chị vướng phải căn bệnh oái oăm của phụ nữ, u xơ cổ tử cung. Căn bệnh đã khiến chị phải cắt toàn bộ tử cung và buồng trứng để bảo toàn tính mạng. Ác hơn nữa, nó lấy đi hết những cảm xúc ham muốn, những rung động của người phụ nữ đang ở độ tuổi hồi xuân, sung mãn.
Chị như trở thành người đàn bà khác. Già trước tuổi và luôn tỏ ra khó chịu mỗi lúc phải ân ái cùng anh. Anh tỏ ra hiểu và thông cảm với bệnh tình của chị bằng cách luôn an ủi động viên. Dù có lúc chị biết thoáng trong suy nghĩ của chồng vẫn nuối tiếc về những ngày tháng cũ.
Một ngày, chị đắng lòng khi gia đình chị báo tin anh có bồ và hiện tại cô bồ đã sinh cho anh một đứa con gái. Giận dữ, đau khổ rồi hoang mang tột độ khi bỗng dưng niềm tin bị đá đổ. Chính cái niềm tin tuyệt đối vào người chồng trông có vẻ ngoài thật thà chất phác đã là cơ hội cho anh lừa dối chị. Lập “phòng nhì” qua những lần đi làm thêm ngoài giờ cả năm trời mà chị đâu hay biết.
Chị im lặng như người câm, ra vào như cái bóng, lầm lũi vô hồn với những công việc thường ngày. Mặc cho anh phân bua giải thích, chống đối lại với cả gia đình chị.
Họ chửi rủa anh là đồ bạc bẽo, đồ vô ơn, “ăn cháo đá bát”. Thấy chị bị bệnh là quay ngoắt, thay lòng đổi dạ. Chỉ vì ham muốn ích kỷ của bản thân mà bỗng chốc quẳng xuống sông xuống bể tình nghĩa sâu nặng bao năm. Nếu không có chị và gia đình ra tay giúp đỡ thì làm sao anh được như bây giờ. Họ một mực cùng nhau gây áp lực bắt chị phải bỏ anh ngay lập tức. Anh sẽ là người mất gần hết khi phân chia tài sản và sẽ vẫn phải còng lưng lo cho những đứa con, đến độ tuổi trưởng thành.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Đêm, nghe tiếng chị khóc hờ mà anh không sao ngủ được. Anh đâu sợ gia đình chị công kích, anh chỉ sợ sự im lặng đến phát điên của chị. Sợ những đứa con xa lánh. Một thằng dám làm như anh, cũng dám đưa đầu chịu trảm lắm chứ. Tối hôm đó, khi anh lùi lũi đi làm về. Chị đã ngồi bình tĩnh chờ anh. Con cái ai về phòng nấy. Lá đơn đặt trên bàn. Mặt thản nhiên không lộ chút cảm xúc, chị lạnh nhạt. Chị trả lại cho anh tự do để anh toại nguyện, vì bây giờ anh sống với chị cũng giống như hai người dưng mà thôi.
Anh cúi gằm xuống, những đường gân trên thái dương như vặn lên, môi anh mím lại. Không một chút đắn đo, cầm tờ đơn, anh xé nát trong sự sững sờ của chị. Ôm lấy chân chị, ánh mắt van lơn, cầu khẩn. Anh nói với giọng nghẹn ngào. Chị có bỏ anh thì bỏ, chứ cả đời này, không bao giờ anh bỏ chị để đi theo cô ấy. Đó là sự thương hại. Anh giúp đỡ vì thấy hoàn cảnh cô tội nghiệp. Vốn quá lứa nhỡ thì, lang thang vạ vật đi ở hết nhà này đến nhà khác với mức lương bèo bọt. Có đứa con, có giấy tờ ăn theo, nó sẽ giúp cô ấy thoát khỏi cuộc sống tù túng vô phương; ngẩng đầu tự do ngoài xã hội mà không sợ bị chèn ép. Cô ấy giống với hoàn cảnh của anh ngày còn trong trại tị nạn, nên anh rủ lòng.
Chị nghe anh nói mà miệng cười khinh bỉ. Nhưng cũng chua chát nghĩ rằng ranh giới giữa tình cảm và lý trí thật mỏng manh. Chỉ cần gặp hoàn cảnh thích hợp, lằn ranh đó sẽ trở nên vô nghĩa. Con người đâu phải thần thánh, sai lầm khó tránh được. Anh còn muốn giữ chị, đó là lý do. Nhìn ánh mắt anh tha thiết, đau khổ, lẽ nào trái tim chị bàng quan, sắt đá. Bởi chị hiểu bản chất của anh, vốn dĩ từ lâu không phải vậy. Tận sâu thẳm đáy lòng, chị đâu dễ dàng để cô ta cướp người đã cùng mình tay trắng mà nên đơn giản thế được. Đàn bà muôn đời vẫn muốn bao dung cho người đàn ông của mình, khi anh ta biết ăn năn, hối lỗi. Hay đúng hơn, đã đi gần hết hơn nửa cuộc đời, con cái sẽ đến lúc bay đi, anh em “kiến giả nhất phận”, ở nơi xa xứ lạnh lẽo, chị không muốn mình sống cô đơn suốt phần đời còn lại.
Cuộc sống sau những ngày đó cũng dễ thở hơn. Anh hứa cắt đứt với cô bồ. Chăm chỉ chuộc lỗi bằng cách đi làm về sớm, chia sẻ với chị việc nhà và luôn tỏ ra yêu thương chiều chuộng chị. Chị như được sống lại với thời tuổi trẻ.
Chị đã cố quên đi vết thương lòng. Nhưng anh em trong gia đình chị thì gọi chị là kẻ dại dột, ngu muội chưa từng có. Họ quyết không chịu để ông rể làm ô uế thanh danh mà vẫn ung dung, tự tại. Họ lén đặt máy định vị trong xe của anh, rồi đem bằng chứng anh vẫn lén lút đi thăm cô nhân tình cho chị.
Khi lòng tin đã bị quạ tha. Chị lồng lên, bảo anh hãy sắp xếp ngay một cuộc gặp mặt với cô bồ để cho “ba mặt một lời”. Anh lặng lẽ phân bua.
Cô ấy tiếng xứ người không biết. Con còn nhỏ, đang thời kỳ sài đẹn, ốm đau suốt. Thân thế bơ vơ, anh nỡ lòng nào không xuống giúp. Vì dù sao đó cũng là giọt máu của anh.
Mấy ngày sau, cuộc gặp mặt cũng được diễn ra ở một quán cà phê. Định bụng, bao nhiêu tức tối bấy lâu chị sẽ bung ra, chửi rủa con “hồ ly” một trận, rồi vứt hết cho chúng với nhau. Vậy mà, khi gặp người đàn bà nhỏ bé khắc khổ, cứ lã chã nước mắt nói lời tạ lỗi với chị. Tất cả là do cô ấy. Vì muốn có giấy tờ ở lại nên đã tìm cách quyến rũ, đưa anh vào tròng. Anh chỉ biết ngồi cúi đầu, hai tay bắt vào nhau, im lặng. Đứa con gái gầy gò bên cạnh, trông rõ là không được chăm sóc tử tế, thỉnh thoảng lại khóc ré lên đòi mẹ bế. Người mẹ vụng về bế con lên, nghẹn ngào quệt nước mắt thanh minh. Cô ấy cũng bận, vừa trông con vừa phải lo đi làm kiếm tiền, để gửi về Việt Nam chăm cho bố bị mù, mẹ bị tai biến. Tiếng xứ người không biết, chẳng khác người câm giữa xứ lạ. Con ốm, con đau chả biết nhờ ai, chỉ biết cậy nhờ anh đưa đi bác sĩ.
Tim chị như bị siết lại. Hình như có một nỗi đau, không phải cho chị mà cho người đang ngồi trước mặt chị kia. Sao éo le, nghịch cảnh vậy. Cái tôi giận dữ trong chị như từ từ xẹp xuống, để cái tôi mủi lòng chua xót ngoi lên. Chị bật dậy thật nhanh giữa hai người. Không đắn đo, chị tuyên bố sẽ lo lắng cho con bé. Bất luận cô có việc gì khó khăn, hay con bé làm sao cứ gọi điện cho chị. Chị quyết hết lòng giúp đỡ, còn để cho anh yên tâm với công việc. Khuôn mặt đau khổ của cô giãn ra, ngạc nhiên rồi rạng rỡ hẳn lên. Cô ngồi như quỳ trước mặt chị.
– Chị ơi. Anh chị chính là bồ tát của đời em. Cả đời này, mẹ con em sẽ luôn mang ơn anh chị.
Còn anh chỉ biết nhìn chị đầy cảm kích.
Từ đó, người ta thấy chị tất bật hơn với việc lo cho con riêng của chồng và giúp đỡ mẹ nó tự lập cuộc sống. Chị bỏ ngoài tai những lời đay nghiến, đàm tiếu của họ hàng xung quanh. Việc chị, chị làm, chị không cần họ lo giúp.
Những buổi cuối tuần hay ngày nghỉ lễ. Người ta luôn thấy cô ấy có mặt trong gia đình chị như một thành viên chính thức. Các con của chị cũng hiểu chuyện, tôn trọng cô và yêu con cô như em ruột của mình. Chúng gọi cô là dì.
Giờ đây, con cái của anh chị đã trưởng thành và có sự nghiệp tốt. Cháu út cũng đang đi học. Chị vẫn luôn đẩy anh lên thăm hai mẹ con mỗi khi có dịp. Dù trong lòng chị có hờn trách, có đớn đau nhưng trên tất cả chị đã nén hết nỗi niềm riêng. Bởi chị biết tìm được hạnh phúc đã khó, nhưng giữ nó vượt qua bể trần một cách ngoạn mục là cả nghệ thuật sống của người đàn bà.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)