Thông điệp cốt lõi này được nhấn mạnh tại hội nghị toàn quốc “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam” vừa tổ chức tại TP HCM.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm ngày càng được nâng cao. Nguồn cung nông sản thực phẩm cho tiêu dùng trong nước không những gia tăng về khối lượng, đa dạng về chủng loại mà còn từng bước được cải thiện về chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thực tế chuỗi giá trị nông sản tại TP HCM
Các chỉ số đánh giá như tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đáp ứng hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm (ATTP); tỉ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP; số cơ sở và diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2022, 2021 …. đều gia tăng đáng kể so với năm 2016, năm Quốc hội giám sát tối cao về ATTP. Tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh được chứng nhận đủ điều kiện ATTP tăng từ 90,7% (năm 2016) lên 94,8% (2021) và 99,5% (2022). Tỉ lệ mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP tăng từ 92,4% (2016) lên 96,1% (2021) và 97,6% (2022)…
Mặc dù chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể nhưng còn chậm, không ổn định, còn khoảng cách với các nước phát triển; tỉ trọng thực phẩm có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nước cũng như để mở rộng thị trường xuất khẩu. Số lô hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu bị nước nhập khẩu trả về; số vụ vi phạm về ATTP, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc phát hiện trong nước đã giảm nhưng vẫn còn gây bức xúc cho người tiêu dùng như các đơn vị truyền thông đã phản ánh trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh để khắc phục các bất cập, nâng cao chất lượng, an toàn, minh bạch nguồn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong giai đoạn mới, cần thực hiện một giải pháp.
Cụ thể: Việt Nam tham gia tích cực vào sáng kiến của Liên Hiệp Quốc về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm trong tình hình mới và thực hiện chương trình hành động xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm, minh bạch và bền vững.
Chất lượng, ATTP và minh bạch là 3 yêu cầu cốt lõi trong xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm trách nhiệm, minh bạch và bền vững vì sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước. Quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn, minh bạch nguồn thực phẩm được thực hiện từ gốc và trong toàn bộ chuỗi giá trị.
Đảm bảo chất lượng, an toàn, minh bạch nguồn thực phẩm cần có sự tham gia của các bên trong hệ thống lương thực, thực phẩm: trách nhiệm đầu tiên của cơ sở sản xuất kinh doanh; của cơ quan quản lý các cấp; các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (hội, hiệp hội…); các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ; hệ thống khuyến nông… cùng tham gia giám sát, hỗ trợ…
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)