Tổng thống Biden đã có cuộc đối thoại “mang tính xây dựng và thẳng thắn” với Thủ tướng Modi trong lúc Washington tìm kiếm sự ủng hộ gia tăng từ New Delhi nhằm gia tăng sức ép kinh tế lên Moscow.
Chính quyền Tổng thống Biden đã nói rõ rằng họ không muốn thấy Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm năng lượng của Nga, Nhà Trắng cho biết thêm nhưng không tiết lộ liệu New Delhi có đưa ra cam kết nào về nhập khẩu năng lượng hay không.
Theo đài Al Jazeera, New Delhi mua ít nhất 13 triệu thùng dầu thô giảm giá từ Moscow kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi cuối tháng 2.
Cũng trong ngày 11-4, các cuộc đối thoại trực tuyến “Mỹ-Ấn 2+2” đã diễn ra, với sự tham gia của Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cùng Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh tăng cường nhập khẩu dầu Nga không nằm trong lợi ích của Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Sự kiện này diễn ra giữa lúc New Delhi nỗ lực cân bằng các mối quan hệ với Moscow và phương Tây. Phương Tây đã áp một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời hối thúc các nước quay lưng với các sản phẩm năng lượng của quốc gia này để gia tăng sức ép lên Điện Kremlin.
Phát biểu hôm 11-4 trước thềm cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Biden, Thủ tướng Modi cho biết ông đã đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelenskyy để giải quyết xung đột.
Trong khi đó, tại buổi họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Jaishankar nhấn mạnh khi được hỏi về hoạt động nhập khẩu năng lượng Nga rằng mọi sự chú ý nên hướng về châu Âu, không phải Ấn Độ.
“Tổng giao dịch của chúng tôi trong một tháng có lẽ chưa bằng giao dịch trong một chiều của châu Âu” – ông Jaishankar nói.
Ngừng cấp tín dụng thương mại
Theo Reuters ngày 11-4, nhiều ngân hàng nước ngoài – trong đó có Ngân hàng HDFC của Ấn Độ, đã ngừng cấp tín dụng thương mại cho hoạt động nhập khẩu dầu từ nhà máy lọc dầu Nayara Energy.
Nayara Energy chưa bị phương Tây nhắm đến nhưng Rosneft – tập đoàn năng lượng Nga sở hữu 49% nhà máy lọc dầu Ấn Độ này – đã bị trừng phạt.
Ánh chụp logo Tập đoàn năng lượng Nga Rosneft ở TP Nefteyugansk – Nga. Ảnh: Reuters
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)